Trong
khi giá nhà thu nhập thấp ở thành phố Hà Nội như Đặng Xá, Kiến Hưng,
Ngô Thì Nhậm, Sài Đồng dao động ở mức gần 10 - 13 triệu đồng/m2 (đã bao
gồm thuế VAT), thì khu vực Đà Nẵng chỉ bán với mức khoảng 5 triệu
đồng/m2. Vì mức giá quá chêch lệch dẫn đến nhà thu nhập thấp tại Đà Nẵng
trong vòng 6 tháng đã bán hết 800 căn. Trong khi đó, tại Hà Nội, sau
đợt sốt đầu tiên là CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, loạt chung cư thu nhập
thấp thứ hai lại rơi vào cảnh đìu hiu chợ chiều. Không ít khách hàng đã
từ chối ký hợp đồng mua loại hình nhà này. Nhiều khách hàng lâm vào tình
cảnh khóc dở mếu dở vì không đủ tiền đóng đúng tiến độ, nhất là khi vốn
vay của ngân hàng vừa khó tiếp cận, vừa có lãi suất cao. Vì vậy, nếu
chủ đầu tư không chấp nhận cho giãn tiến độ nộp tiền, thì nhiều khách
hàng phải chọn giải pháp nộp phạt để rút hồ sơ về. Nhưng nhiều doanh
nghiệp khẳng định khó có thể giãn tiến độ hợp đồng. Theo Phó giám đốc
Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai Nguyễn Văn Đa,
trong tình hình hiện nay, không chỉ khách hàng mà cả doanh nghiệp cũng
rất khó khăn. Doanh nghiệp chỉ sẵn sàng ký thỏa thuận với ngân hàng giúp
người dân tiện lợi vay tiền mua nhà, chứ không thể giãn tiến độ đóng
tiền cho khách hàng.
Tuy nhiên, để
triển khai chủ trương xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, trong hai
năm qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích
doanh nghiệp tham gia, nhất là tạo quỹ đất sạch. Đó là hỗ trợ bên cung.
Song với bên cầu thì, nhiều người có nhu cầu nhà ở thực sự lại rất khó
xoay sở đủ tiền để thực hiện mục tiêu của mình. Và người cần mua đã phải
chạy đôn, chạy đáo để đáp ứng các đợt đóng tiền. Nếu không lo kịp số
tiền phải đóng, người thu nhập thấp chỉ có thể chấp nhận nộp phạt, rút
hồ sơ. Ngoài ra, cũng có trường hợp không có đủ tiền mua, nhưng đi vay
để mua. Những đối tượng này khi mua được thường nhanh chóng tìm cách bán
để trả nợ vay, hưởng phần chênh lệch còn lại. Tình trạng này đã dẫn tới
hiện tượng ô tô xếp hàng mua nhà thu nhập thấp, gây bất bình dư luận
trong thời gian qua.
Trước thực tế này, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Ts Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần thay đổi cách gọi nhà thu nhập thấp là nhà giá rẻ. Nguyên nhân do không nhiều người thu nhập thấp đủ khả năng chi trả cho
việc mua nhà ở. Trong khi, hiện doanh nghiệp đầu tư cũng không thể giãn
thời gian nộp tiền vì việc mua bán nhà đã được ký kết theo hợp đồng. Do
đó, Ts Phạm Sỹ Liêm đề nghị, Nhà nước cần hỗ trợ một phần lãi suất đối
với khoản vay mua nhà thu nhập thấp, nhằm hỗ trợ khả năng chi trả cho
người dân. Ví dụ như ngân hàng cho vay với lãi suất là 12%, thì Nhà nước
có thể hỗ trợ 6% lãi suất. Với mức lãi suất cho vay giảm một nửa, thì
người thu nhập thấp mới có khả năng vay vốn để sở hữu nhà ở. Giải pháp
này không đòi hỏi Nhà nước phải bỏ ra nhiều tiền, vì chỉ là hỗ trợ trên
phần lãi suất cho vay. Và không đòi hỏi phải chi trả trong một thời gian
ngắn, vì lãi suất phải nộp theo từng tháng.
Nhiều chuyên gia đề nghị, để người thu nhập thấp, người có nhu cầu thực được sở hữu nhà giá rẻ, cần phải thay đổi tư duy. Phải thay dần việc hỗ trợ trực tiếp điều kiện sống cho người nghèo bằng các biện pháp giảm dần số người nghèo. Một việc cần làm ngay là bỏ tư duy hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà bán cho người nghèo bằng hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà cho người nghèo thuê. Song song với đó phải có chính sách hỗ trợ phát triển nhanh thị trường nhà ở cho thuê. Nhờ đó, giá nhà cho thuê sẽ thấp, chất lượng các dịch vụ trong nhà chung cư sẽ tốt vì cạnh tranh. Nạn đầu cơ đất và nhà sẽ giảm, nhiều người nghèo sẽ giải quyết được chỗ ở, người có thu nhập vừa phải cũng có thể mua được nhà riêng nếu có nhu cầu.