TP sẽ kiến nghị cho chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch.

“Bây giờ, nếu hỏi người dân rằng TP sẽ tăng thêm chỉ tiêu về quy hoạch đất công viên cây xanh (CVCX) hoặc tăng thêm đất làm giáo dục thì họ sẽ mừng hay lo, tôi xin khẳng định là lo.

Vì thực tế nhiều quy hoạch để lâu không thực hiện được đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói tại buổi họp giải trình với HĐND TP.HCM liên quan đến quy hoạch ngày 27-11.

Quy hoạch hơn 11.000 ha, thực hiện chỉ được 4,3%

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, đất quy hoạch để làm CVCX đã được xác định trong các đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ thực hiện theo quy hoạch là rất thấp. Cụ thể, đất CVCX được quy hoạch là hơn 11.400 ha nhưng mới chỉ thực hiện được gần 500 ha (chiếm tỉ lệ 4,3%).

Ông Nhã cũng nêu một nghịch lý là hiện nay, tại các quận nội thành đất chật nhưng lại có tỉ lệ CVCX nhiều hơn, trong khi đó ngoại thành đất còn nhiều thì tỉ lệ này rất thấp. Chẳng hạn, 13 quận nội thành đã thực hiện được hơn 55%, khu vực sáu quận mới (2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân) là 35% và năm huyện ngoại thành là 9,4%.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, nhìn nhận thêm: Tỉ lệ thực hiện quy hoạch CVCX nêu trên là đã bao gồm cả cây xanh có sẵn trước khi có quy hoạch. Do đó, thực tế thời gian qua việc Nhà nước đầu tư xây dựng thêm CVCX là rất ít vì không có nguồn lực.

Trong khi đó, trong các dự án phát triển nhà ở có tình trạng chủ đầu tư né tránh làm CVCX, góp phần làm giảm tỉ lệ CVCX theo quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến băn khoăn về tính khả thi của quy hoạch CVCX trong các đồ án quy hoạch phân khu. Đại biểu Tuyến cho rằng “quy hoạch thì rất nhiều nhưng thời gian qua không có dự án nào được trình ra HĐND TP”.

Ông dẫn một ví dụ dự án cây xanh cách ly tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân đã có quyết định thu hồi đất từ năm 1997. Đến nay đã 20 năm nhưng vẫn chưa thực hiện khiến cho đời sống của 142 hộ dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch này rất khổ sở.

Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã nhìn nhận bất cập trong quy hoạch có trách nhiệm của Sở QH-KT. Ảnh: Việt Hoa

Đại biểu Nguyễn Minh Nhật cũng nêu thêm: Tình trạng đất CVCX ngày càng bị “teo” lại trong các dự án phát triển nhà ở. “Nhiều dự án chủ đầu tư không đủ năng lực nên không thực hiện được hết và đã được TP cho điều chỉnh quy mô dự án.

Đa phần diện tích bị điều chỉnh này nằm trong phần đất CVCX, công trình công cộng. TP có giải pháp chế tài gì và biện pháp nào để khắc phục việc giao đất cho nhà đầu tư thiếu năng lực?” - ông Nhật đặt vấn đề.

Đại biểu Trương Trung Kiên dẫn ra hàng loạt vấn đề cho thấy việc lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch lâu nay “đang có vấn đề”. Ông Kiên đề nghị phải làm rõ nguyên nhân của quy hoạch không khả thi bắt nguồn từ đâu. Do không nghiên cứu kỹ thực trạng hay do phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch?

Để có những tồn tại như trên thì trách nhiệm thuộc về ai? Là cơ quan lập quy hoạch hay là của các đơn vị thực hiện quy hoạch? Ông Kiên cũng khẳng định người dân không phản đối Nhà nước làm quy hoạch, họ chỉ thắc mắc khi nào quy hoạch được thực hiện nhưng Nhà nước không thể trả lời câu hỏi này.

Phải thay đổi tư duy làm quy hoạch

Từ chất vấn của các đại biểu, giám đốc Sở QH-KT nhìn nhận “có phần trách nhiệm của Sở QH-KT”. Đồng thời nêu giải pháp để cải thiện là sử dụng quỹ đất công và đề xuất TP ghi vốn để có nguồn lực thực hiện các dự án theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận cách làm quy hoạch hiện nay có nhiều bất cập. TP cũng đang trong quá trình thuê đơn vị tư vấn và tổ chức thi tuyển kiến trúc để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung của TP nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù cũng như tính khả thi của các đồ án quy hoạch.

Liên quan đến việc lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, ông Tuyến nhìn nhận: “Đã đến lúc TP phải nhìn nhận lại, nếu chúng ta tiếp tục ngồi bàn giấy làm quy hoạch thì sẽ tiếp tục có những quy hoạch không khả thi”. TP ghi nhận hết tất cả ý kiến của các đại biểu HĐND cũng như của người dân TP trong quá trình làm quy hoạch trong thời gian tới.

Đối với các công viên có diện tích thu hồi đất lớn như ở Củ Chi phải tính toán lại. “Không nhất thiết phải giao hết cho một nhà đầu tư. Có những hạng mục TP vẫn phải làm hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Như thế sẽ đảm bảo tính khả thi của dự án và sẽ hợp lòng dân” - ông Tuyến nói.

Liên quan đến quyền lợi của người dân trong quy hoạch, ông Tuyến cho hay TP đang tính toán sẽ kiến nghị cho người dân trong quy hoạch được chuyển mục đích sử dụng đất để giảm bớt thiệt thòi cho dân. Phó Chủ tịch UBND TP cho hay lâu nay vì đất đai của dân bị nằm trong quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất, vẫn là đất nông nghiệp.

Đến thời điểm Nhà nước thực hiện quy hoạch cũng chỉ đền bù theo giá đất nông nghiệp khiến người dân rất thiệt thòi.

Theo ông Tuyến, nếu cho người dân được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, dân vẫn phải đóng tiền sử dụng đất vào ngân sách, tiền của Nhà nước không mất đi mà giá trị sử dụng đất của dân sẽ cao hơn. “Nếu theo cách này sẽ rất hợp lòng dân” - ông Tuyến nói.

Một đô thị lớn như TP.HCM mà tỉ lệ cây xanh như hiện nay là rất ít. Người dân phải sống trong môi trường ngột ngạt vì thiếu cây xanh, không gian sinh hoạt rất bức bối, không có nơi giải tỏa và như thế cũng sẽ tạo ức chế về mặt tâm lý.

Đề nghị Sở QH-KT và các sở, ngành phải thay đổi tư duy làm quy hoạch, đảm bảo phát triển theo yêu cầu là hiện đại, văn minh, chất lượng sống của người dân ngày càng nâng cao.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm

Hoa Lê (PLTPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.