CafeLand - Các chuyên gia đô thị cho biết đại dịch đã gia tăng áp lực lên các chính phủ trong việc giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và cho phép các nhà chức trách tự do hơn trong việc chuyển đổi các văn phòng trống.

Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ bổ sung thêm 114.000 đơn vị nhà ở công cộng trong vòng hai năm tới, bằng cách mua lại các khách sạn và văn phòng trống để chuyển đổi chúng thành nhà ở.

Singapore đang thúc đẩy kế hoạch tái phát triển các văn phòng cũ ở quận tài chính trung tâm, cùng nhiều sáng kiến để chuyển đổi các bãi đậu xe thừa thành nhà ở, cửa hàng, nhà hàng, và trang trại trong nhà.

Justin Eng, Phó giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Chính phủ và các nhà phát triển trên toàn khu vực đang xem xét việc chuyển đổi nhiều không gian thương mại thành nhà ở, dù các dự án này còn lẻ tẻ”.

Ông nói: “Những xu hướng này đã có trước COVID-19, nhưng hiện đang tăng tốc nhờ sự khuyến khích và các ưu đãi từ chính phủ”.

Do các lệnh hạn chế di chuyển trong thời kỳ đại dịch, các nhà phát triển và chính quyền đang phải vật lộn với việc giảm bớt nhân viên tại các văn phòng.

Có 8/10 người lao động ở Singapore thích làm việc tại nhà hoặc làm việc linh hoạt, một cuộc khảo sát vào tháng 10 cho thấy - điều này có thể khiến nhiều văn phòng và bãi đậu xe ở thành phố trở nên thừa thãi.

Nhưng kế hoạch khuyến khích chuyển đổi văn phòng sẽ khả thi hơn so với việc biến khách sạn và căn hộ dịch vụ thành nhà ở, Eng nói.

“Việc chuyển đổi văn phòng thành nhà ở sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn. Các chi phí tăng thêm có thể không đạt hiệu quả về tài chính”.

Một người phát ngôn của Cơ quan Tái phát triển Đô thị của Singapore cho biết họ đã nhận được “một số đề xuất” cho các kế hoạch.

Cải tạo văn phòng thành nhà ở tại các đô thị, lợi hay hại?

Chuyển đổi các không gian thương mại cũ hoặc không sử dụng thành nhà ở không phải là một xu hướng mới. Một kế hoạch ở thành phố New York được triển khai vào giữa những năm 1990 cung cấp các khoản giảm thuế cho những dự án chuyển đổi theo hình thức này. Trong thập kỷ trước, văn phòng là bất động sản phổ biến nhất được xây dựng để cho thuê trên khắp nước Mỹ, theo nghiên cứu của trang web cho thuê bất động sản RENTCafe.

Nhưng cách tiếp cận này có thể không hiệu quả ở Ấn Độ - nơi mà chính phủ vào tháng 7 đã công bố kế hoạch tạo ra nhiều nhà cho thuê giá cả phải chăng hơn - vì nguồn cung văn phòng chất lượng đang thiếu hụt ở các thành phố hàng đầu của Ấn Độ và giá bất động sản vẫn cao, Anuj Puri, Chủ tịch của Anarock Property Consultants nói.

Thay vào đó, có thể “khả thi hơn nhiều” nếu biến bất kỳ văn phòng trống nào thành không gian nhà kho cho các công ty thương mại điện tử - lĩnh vực vốn đã chứng kiến ​​sự bùng nổ nhu cầu trong thời kỳ đại dịch.

Tony Matthews, giảng viên về quy hoạch đô thị và môi trường tại Đại học Griffith của Australia, đồng ý rằng việc chuyển đổi văn phòng thành các cơ sở sản xuất hiện đại như in 3D, trường học hoặc trang trại trong đô thị là một lựa chọn khả thi hơn nhiều.

Ngoài việc khó khăn và tốn kém, việc chuyển đổi văn phòng thành nhà ở cũng có thể gây ra “hậu quả xã hội tiêu cực”, ông nói.

Ví dụ, kế hoạch tái phát triển các văn phòng và cửa hàng cũ của Anh đã tạo ra khoảng 65.000 căn hộ, nhưng là "thảm họa" vì thiếu phương tiện giao thông công cộng và dịch vụ, cũng như cản trở việc giãn cách xã hội.

“Bề ngoài đây có vẻ là một ý tưởng hay để sử dụng hiệu quả không gian và tài nguyên. Nhưng trong thực tế, câu chuyện thường thường khá khác biệt”, Matthews nói.

  • 5 xu hướng bất động sản tiếp tục duy trì ảnh hưởng hậu đại dịch

    5 xu hướng bất động sản tiếp tục duy trì ảnh hưởng hậu đại dịch

    CafeLand - Rõ ràng là đến nay, đại dịch Covid-19 đã vĩnh viễn thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Văn phòng, nhà ở, không gian ngoài trời và mọi nơi khác chúng ta đang sống đều đã bị tác động. Thị trường bất động sản, vì vậy, cũng phải đối mặt với những thay đổi đáng kể với động lực cung - cầu cũng dịch chuyển theo những hướng khác nhau.

Lam Vy (Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.