18/08/2016 1:51 PM
Gần 7 năm trước, hơn 100 hộ dân của chung cư cũ B6 Giảng Võ phải ra khỏi nhà tạm cư để nhường chỗ dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ, Ba Đình , Hà Nội. Trong 7 năm chờ về nhà mới đó, đã có 14 chủ hộ đã ra đi vì tuổi cao.

Còn hơn 30 chủ hộ khác đã trên 70 tuổi, và mong ước cháy bỏng với các chủ hộ này được nhìn thấy nhà mới trước khi chết vẫn chưa được thực hiện. Trong khi cư dân B6 vẫn xoay xở, khó nhọc với cuộc sống tạm cư thì dự án cải tạo nhà B6 mặc dù chủ đầu tư đã sẵn sàng nhưng vẫn đang vướng các thủ tục cấp phép.

Tuổi già vẫn sống tạm bợ

Tại căn hộ trên tầng 5 của khu tập thể cũ sát đường Kim Mã là nơi tạm cư 6 người gia đình ông Vũ Huyên Văn - phòng 519 B6 Giảng Võ. Căn phòng 28m2 càng chật chội hơn khi để đủ thứ đồ dùng cho hai gia đình 6 người. Được biết, nơi ở hiện tại là lần tạm cư thứ 4 trong vòng 7 năm qua của gia đình ông. Lần chuyển nhà thứ nhất vào năm 2010, khi phải rời nhà B6 cho dự án cải tạo chung cư cũ, vì không muốn đảo lộn cuộc sống, ông chọn căn hộ tương tự trong khu tập thể đường Núi Trúc. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng thì chủ hộ bán nhà khiến ông chuyển lên phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm). Từ đó, gia đình gần 10 người của ông phải xẻ làm đôi, hai vợ chồng già trên 80 sống với gia đình con trai 4 người, một gia đình khác gồm 4 người cũng thuê nơi khác. Cách đây 3 năm, ông lại chuyển nhà lần nữa khi chủ nhà lấy phòng làm lại nhà.

Ý kiến của Bộ Quốc phòng về việc Tổng Cty 36 nhận lại làm chủ đầu tư Dự án cải tạo xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Sau 7 năm rời khỏi ngôi nhà chung B6 Giảng Võ, ông Nguyễn Thiệp - Trưởng ban đại diện cư dân B6 Giảng Võ - thống kê, hầu hết các hộ gia đình khi tách ra khỏi đều phải ly tán, trong đó có những nhà tách ra 3 nơi ở khác nhau. Kể về khó khăn cảnh sống tạm, ông Thiệp nói, 110 chủ hộ là 110 cảnh khổ, không ai giống ai. Mặc dù chủ đầu tư có hỗ trợ mỗi hộ 6 triệu đồng/tháng nhưng khoản tiền đó phải chắt chiu lắm mới đủ trang trải việc thuê nhà. “Khi tách hộ, tiền điện theo giá nhà trọ, nhiều hộ phải trả tiền điện sinh hoạt gấp 2-3 lần. Rồi nhiều phát sinh vất vả trong sinh hoạt không thể kể hết”, ông Tiệp nói.

Ngoài việc phải làm quen với cuộc sống tạm cư, điều lo lắng nhất các hộ dân là xáo trộn nơi ở dẫn tới việc chuyển trường học hành của trẻ cũng vô vàn khó khăn. Nhiều hộ dân sau khi chuyển đi phải đưa con, cháu mình học trái tuyến, có khi vừa quen trường, lớp lại phải chuyển nơi khác.

Tạm cư đến bao giờ?

Trao đổi với PV Lao Động, Đại tá Trần Văn Thụy - Phó TGĐ Tổng Công ty (TCty) 36 - cho biết, từ cuối năm 2013, dự án nhà B6 Giảng Võ được UBND TP.Hà Nội giao cho Công ty Mefrimex là chủ đầu tư. Tuy nhiên, tính đến tháng 5.2015, tức là hơn 2 năm kể từ khi nhận, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Mefrimex cũng đã có văn bản gửi UBNDTP xin trả lại dự án. Từ thực tế đó, cùng với nguyện vọng của hơn 100 hộ dân nhà B6 mong muốn TCty 36 quay lại thực hiện dự án để nhanh chóng được nhận nhà tái định cư, TCty 36 đã báo cáo Bộ Quốc phòng và UBNDTP cho phép nhận lại dự án từ Mefrimex.

Ngày 10.6.2015, UBND Thành phố đã có văn bản giao TCty 36 được tiếp tục triển khai dự án B6; yêu cầu tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương thực hiện, đảm bảo chất lượng, bàn giao nhà cho các hộ dân chậm nhất trong tháng 12.2017. UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu đề xuất của TCty 36 về việc điều chỉnh quy hoạch dự án quy mô 4 tầng hầm và 28 tầng nổi, đảm bảo điểm hòa vốn và không làm mất vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, báo cáo UBND Thành phố. Về chủ trương này, Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình và các sở, ngành đã có ý kiến nhất trí cao.

“Ngày 17.2.2016, UBND TP.Hà Nội chính thức có văn bản nhất trí với đề xuất của chủ đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin điều chính quy mô dự án. Tuy nhiên, đến nay vì vẫn chưa có quyết định phê duyệt phương án kiến trúc; chưa có giấy phép xây dựng nên dự án chưa thể triển khai, dù biết người dân rất mong mỏi chờ nhà” , Đại tá Thụy cho biết.

Cũng theo Đại tá Trần Văn Thụy, để tháo gỡ các tồn tại vướng mắc, đáp ứng nhu cầu tái định cư cho 100 hộ dân nhà B6; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của doanh nghiệp (giải quyết hài hòa lợi ích Người dân - Nhà nước - Doanh nghiệp) và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng dự án, sớm bàn giao nhà cho các hộ dân (chậm nhất vào tháng 12.2017 theo kết luận của UBND TP), TCT 36 mong Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận đề xuất của UBND TP.Hà Nội, làm cơ sở để dự án được thực hiện đúng tiến độ.

“Dự án chậm ngày nào thì càng gây tổn thất cho chủ đầu tư và cư dân ngày đó. Chủ đầu tư đã phải bỏ tiền tạm cư hơn 7 tỉ đồng mỗi năm cho người dân, cộng với tiền giải phóng mặt bằng thì gánh nặng tài chính cũng đội lên. Còn người dân, dự án càng chậm thì người dân cũng thêm khó khăn, vất vả”, Đại tá Thụy nói.

Và cứ theo đà này, 120 nghìn tỉ cho 10 dự án cải tạo nhà chung cư tới đây của Hà Nội, từ thực tế nhà B6, liệu người dân có còn giám để các chủ đầu tư cùng với thành phố HN thực hiện các dự án tái định cư nữa không? Với kỳ vọng lớn về một Chính phủ kiến tạo và hành động, không chỉ doanh nghiệp mà hơn 100 hộ dân nhà B6 mong mỏi Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính này, cũng có nghĩa là giúp dân sớm được tái định cư!

Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.