Ảnh minh họa.
HSBC nhận định, mặc dù chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 3 đã tăng từ mức 51 điểm trong tháng 2 lên 51,3 điểm do sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng cao hơn nhưng GDP quý 1 lại sụt giảm khá mạnh xuống còn 5% và CPI từ mức 5,9% xuống còn 4,8%.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 0,5% nhưng vẫn không tạo được hiệu quả mạnh, tốc độ cải cách chậm chạp đã khiến lòng tin giảm sút và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Theo HSBC, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực như chỉ số PMI ngành sản xuất đã tăng trong khi tình hình các nước khác lại đang chao đảo; đồng tiền trở nên mạnh hơn dựa vào cơ sở tỷ giá hối đoái hiệu quả thực sự trong khi đồng tiền của các nước láng giềng lại yếu đi, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán cải thiện trong khi những nước khác giảm sút. Hoạt động sản xuất của Việt Nam chắc chắn đang trên đà cải thiện khả năng cạnh tranh tương đối trong khu vực.
Ngược lại với tình hình sản xuất, đa số các ngành khác ở Việt Nam đều giảm. Lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chậm lại còn 2,4% trong quý 1/2014 so với mức 2,7% trong năm 2013. Giá cả toàn cầu giảm cũng như khí hậu lạnh bất thường ở khu vực miền Bắc đã làm tổn hại đến nông nghiệp. Lĩnh vực khai khoáng mỏ đã giảm còn -2,9% trong quý 1/2014 từ mức -0,2% trong năm 2013.
Lĩnh vực xây dựng tăng chậm hơn từ mức 5,8% trong năm 2013 xuống còn 3,4% trong quý 1/2014. Lĩnh vực dịch vụ cũng giảm từ mức 6,6% trong năm 2013 xuống còn 6% do mức độ lạc quan của người tiêu dùng yếu đi
Tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2014 đã giảm 1% thể hiện sự tin tưởng thấp vào tương lai và một hệ thống tài chính chìm trong nợ xấu.
Dòng vốn FDI được giải ngân trong quý I đã tăng 5,6% trong khi con số FDI đăng ký lại giảm khoảng 50%.
Mặc dù tăng trưởng vốn FDI giải ngân trong năm 2014 vẫn giữ nguyên, nhưng HSBC cho rằng, tình hình kinh tế hiện tại được dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư đến từ nước ngoài sẽ không bền vững, đặc biệt là khi những cải cách đối với thị trường tài chính vẫn còn đứng yên.