10/06/2012 8:37 PM
Hậu quả của thời bất động sản "nóng" thật khó tả. Đến nay, không ít người dân vẫn “dở khóc, dở cười” vì trót mua nhà – đất mà chưa được nhận, đòi tiền lại thì bị doanh nghiệp chây ỳ, kiện ra tòa…

Chủ đầu tư vi phạm…

Một số người dân cho biết, họ mua đất của Công ty H.L từ 2007- theo hợp đồng thì đến 2009 sẽ giao nền đất. Đến tháng 11/2011, Công ty H.L gửi giấy yêu cầu chúng tôi đóng tiền đợt 4 (là đợt hoàn tất hết mọi thứ và bàn giao - sau khi giấy tờ chủ quyền hoàn tất thì đóng đợt 5). Chúng tôi tin và cứ nghĩ là dự án này đã trễ 2 năm thì chắc là “sản phẩm” của Công ty H.L đã hoàn chỉnh và chuẩn bị giao cho chúng tôi.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tôi đi xem thực tế thì sự thật phủ phàng, nhà, đất đâu không thấy, chỉ thấy cây cỏ mọc um tùm. Ngay sau đó, chúng tôi đến Công ty H.L yêu cầu là trả lại tiền và đưa ra kiến nghị: Khi nào dự án này hoàn thành đúng kỹ thuật thì công ty mới được quyền thu tiền đợt tiếp theo của chúng tôi. Tuy nhiên, những yêu cầu của khách hàng đối với Công ty H.L vẫn không được phía Công ty H.L xem xét giải quyết.

Tương tự, trước đây Công QCGL do chậm giao nhà cho “thượng đế” nên cũng đã bị “thượng đế” kéo nhau đến công ty phản đối in ỏi. Công ty QCGL thừa nhận, có việc bàn giao nhà trễ cho khách hàng theo cam kết. Tuy nhiên, việc giao nhà chậm một phần cũng do… lỗi của khách hàng. Bởi tại dự án, trên 70% khách hàng nộp tiền trễ, đặc biệt có những khách hàng nộp trễ hơn 300 - 400 ngày, nhưng công ty vẫn chưa thu lãi và giao nhà cho khách.

Vì vậy, không riêng gì QCGL mà các nhà kinh doanh bất động sản khác đều kêu gọi khách hàng cần có cái nhìn thấu đáo để hiểu “nỗi khổ” của chủ đầu tư. Đại diện Công ty QCGL đưa ra đề nghị, công ty sẽ bồi thường do lỗi giao chậm nhà cho khách hàng 8% trên tổng giá trị hợp đồng, thay vì 1,5/tháng/số tiền góp vốn, nhưng với điều kiện những người đóng tiền chậm cũng sẽ chịu mức phạt này. Nghe phía công ty nói thế, những khách hàng đã đóng 95% giá trị căn hộ gay gắt phản đối và yêu cầu Công ty QCGL phải bồi thường 90% tổng giá trị hợp đồng.

Để khách hàng được đòi lại tiền

Theo Luật sư Phan Hồng Việt, Đoàn Luật sư TP.HCM, đối với trường hợp trong hợp đồng giữa công ty và khách hàng có thể hiện điều khoản chứa nội dung: “Nếu chủ đầu tư chậm giao căn hộ, nền đất thì sẽ bị phạt hợp đồng theo ngày/tháng/số tiền góp vốn, tùy theo từng hợp đồng ký kết cụ thể về tỷ lệ phạt để thực hiện.

Tuy nhiên, Luật sư Việt cho rằng, thực tế hiếm có doanh nghiệp nào chậm giao đất, giao nhà mà trả tiền lại cho khách hàng, trừ trường hợp trong hợp đồng “giao kèo” chặt chẽ về điều khoản trả lại tiền”. Hôn nữa, các công ty kinh doanh bất động sản thường có một mẫu hợp đồng với các điều khoản chung chung theo hướng có lợi cho họ, thậm chí bất lợi cho khách hàng. Chính vì vậy, khi dự án của họ (doanh nghiệp) bị chậm tiến độ, thì khách hàng cũng khó lòng mà đòi lại được tiền đã góp.

Trong trường hợp hợp đồng không có điều khoản về điều đòi lại tiền đã nộp cho công ty thì khách hàng có thể kiên đòi lại tiền và đòi bồi thường thiệt hại, nếu như có thiệt hại thực tế phát sinh (tiền lãi); còn thông thường bên bồi thường chỉ bồi thường tiền gốc và tiền lãi. Luật sư Việt khuyên, khi giao kết hợp đồng nhà - đất, khách hàng cần xem xét các điều khoản liên quan đến phạt hợp đồng; điều khoản về đòi tiền lại nếu bên nào vi phạm hợp đồng; và điều khoản về đơn phương chấm dứt hợp đồng theo BLDS quy định.

Luật sư Nguyễn Xuân Chung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thêm, đối với những trường hợp mà doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vi phạm hợp đồng, cụ thể là giao nhà, nền đất chậm cho khách hàng mà ảnh hưởng đến số đông thì thông thường được doanh nghiệp sẽ quan tâm giải quyết. Theo đó, hai bên sẽ gặp nhau để thương lượng, giảm giá, đẩy nhanh tiến độ… nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tuy nhiên, khách hàng đơn lẽ thì sẽ gặp khó trong việc khiếu nại. Nói thể không phải là không thể, đối với từng trường hợp cụ thể thì khách hàng có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi tiền lại. Bởi theo BLDS quy định, một khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì bên kia có quyền chấm dứt hợp đồng, khi đó bên có lỗi (doanh nghiệp) phải hoàn trả tiền lại cho khách hàng, cộng với lãi suất ngân hàng theo luật định.

Theo Luật sư Chung cho dù trong hợp đồng không thể hiện điều khoản về “đòi tiền, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng” thì khách hàng cũng có quyền chấm dứt nếu như doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vi phạm hợp đồng.

Theo PLTP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.