04/08/2010 8:14 AM
Đa số NHTM hiện vẫn loay hoay chưa biết làm cách gì để thực hiện được đồng thời hai mục tiêu: huy động được vốn mà vẫn hạ được lãi suất cho vay.
Cách gì gỡ rối thị trường lãi suất?

Sự giằng co của thị trường lãi suất được dự báo sẽ còn tiếp diễn một thời gian nữa, trước khi NHNN mạnh tay hoặc diễn biến kinh tế - xã hội có chuyển biến lớn.

Hơn một tháng qua, thị trường lãi suất đã và đang ở vào thế giằng co. Vì, trong khi Chính phủ, NHNN muốn hạ mặt bằng lãi suất bằng những mệnh lệnh hành chính thì các NHTM lại không thể không tuân theo theo quy luật cung - cầu. Vì thế, lãi suất cứ trồi lên, rồi lại thụt xuống.

Đánh “du kích” trong huy động vốn

Hai tuần đầu tháng 5/2010, theo lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), mặt bằng lãi suất huy động (LSHĐ) từ 12%/năm đã hạ xuống, dao động quanh mức 11,5%/năm. Nhưng đến cuối tháng 5 lãi suất tiền gửi VND lại biến động.

Sang tháng 6, lãi suất huy động VND có dấu hiệu tăng trở lại. Mức lãi suất cao nhất được ghi nhận tại thời điểm này là 11,99 %/năm (áp dụng cho các kỳ hạn từ 3 tháng - 12 tháng) của Ngân hàng Việt - Nga.

Một số NHTMCP khác cũng áp dụng mức lãi suất huy động khá cao như VPBank, Nam Á, Đệ nhất có mức LSHĐ 11,6%/năm đến 11,7 %/năm ở kỳ hạn 6 tháng - 12 tháng. Đặc biệt ngân hàng TMCP Kiên Long áp dụng mức lãi suất 11,6%/năm cho tất cả các kỳ hạn.

Các NHTM nhà nước lớn (Vietcombank, BIDV, VietinBank) - vốn được coi là đầu tàu trong thực hiện chủ trương chính sách của NHNN cũng có mức LSHĐ khá cao: từ 11,2% đến 11,5%/năm. Trong khi LSHĐ bằng VND liên tục biến động thì lãi suất USD khá ổn định, ở mức 3,5 - 4,2%/năm, dù nhu cầu vay ngoại tệ liên tục tăng.

Sau khi NHNN phát tín hiệu sẽ thanh tra các NHTM có mức LSHĐ 12%/năm, một số ngân hàng (Việt Á, Phát triển nhà TP.HCM) đã điều chỉnh giảm LSHĐ. Nhưng, về cơ bản là không nhiều, thậm chí có NHTM giảm “làm phép”. NHTMCP Phương Tây và Ngân hàng Việt Nga vẫn áp dụng mức lãi suất 11,99%/năm ở một số các kỳ hạn.

Để không vi phạm sự “đồng thuận” với VNBA, nhiều NHTM đã chuyển từ công khai thưởng tiền, thưởng lãi suất cho người gửi tiền sang các hình thức khác, “bí mật” và “du kích”. Hiện rất nhiều NHTM đang triển khai những chương trình khuyến mại trong huy động vốn theo kiểu “đánh nhanh rút gọn”.

VietinBank có chương trình khuyến mại về Thẻ E - Partner với tên gọi “Đỗ là được” với mức ưu đãi hấp dẫn, được triển khai từ ngày 12/4 đến 9/7/2010; OceanBank với sản phẩm “An tâm tích lũy - Vững bước tương lai” được triển khai từ 17/5/2010 với hình thức tiết kiệm gửi góp.

Từ ngày 20/5/2010 đến hết ngày 30/6/2010, SCB triển khai chương trình “Gửi tiền ngay - cơ may trúng lớn”, áp dụng cho tất cả các khách hàng mở mới tiền gửi theo tất cả các hình thức lĩnh lãi, kỳ hạn từ 1 tháng - 13 tháng. Còn ABBank có chương trình “Tích điểm đổi quà - Du lịch Á Âu”…

NHNN cũng thừa nhận, LSHĐ thực tế của các NHTM cao hơn LSHĐ niêm yết khoảng 0,5 - 1,5%/năm. Nhìn chung, các NHTM có lãi suất huy động VND cao hiện nay là: SCB, Kienlong Bank, VietinBank, Habubank, Ocean Bank, Southern Bank, HDBank, Maritime Bank, VietA Bank…

Không thể chỉ dùng mệnh lệnh hành chính

Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký VNBA cho rằng, khó có thể hạ lãi suất bằng những mệnh lệnh hành chính. Với mức tăng chỉ số CPI 5 tháng đầu năm 2010 so với 5 tháng đầu năm 2009 là 8,76% thì mức LSHĐ như hiện nay đã đảm bảo thực dương. Thế nhưng, rất ít người có tiền nhàn rỗi hiện nay gửi tiền chỉ để lĩnh lãi.

Nhiều người gửi tiền vào ngân hàng chỉ vì an toàn hơn để ở nhà. Sự sôi động của thị trường bất động sản, vàng trong những tháng gần đây là lực hấp dẫn lớn mà các NHTM, dù đã rất cố gắng, cũng không giữ chân người gửi tiền lâu được.

Đây là lý do khiến tiền vào ngân hàng vẫn chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay trung và dài hạn ngày một tăng. Sự trái chiều này vẫn tiếp tục gây sức ép tăng LSHĐ đối với các NHTM.

Đặc biệt, việc tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 7,46% so với cuối năm 2009 (thậm chí nếu so với tháng 4/2010, tăng trưởng tín dụng tháng 5 là 1,86%) là mức tăng quá thấp và quá xa so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay.

Hơn nữa, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%, Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục có những biện pháp, mà dù muốn hay không các NHTM không thể đứng ngoài cuộc.

Mặt khác, không kể sức ép tăng trưởng tín dụng từ phía Chính phủ và NHNN, mà với bản thân các NHTM thì nguồn thu từ tín dụng hiện vẫn chiếm trên 60% lợi nhuận của ngân hàng lớn và trên 70% ở ngân hàng nhỏ. Do đó, tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại vào quý III, và tăng mạnh vào quý IV.

Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại vào quý III, và tăng mạnh vào quý IV năm nay

Song, ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc ban Quản lý tín dụng BIDV, khẳng định, nguyên nhân cơ bản khiến tín dụng tăng trưởng thấp là khó khăn trong huy động vốn.

Trong bản “Báo cáo đặc biệt” do ngân hàng Standard Chartered công bố ngày 8/6, niềm tin thị trường vào VND đã suy yếu trong những năm gần đây. Theo các chuyên gia của Standard Chartered Bank, VND được cho là chỉ thuộc loại tiền tệ thứ ba được ưa thích trong nước, sau vàng và USD. Điều này sẽ tạo thêm áp lực về khả năng hút VND vào ngân hàng.

Như vậy, muốn tăng trưởng tín dụng, trước mắt các NHTM sẽ phải tăng LSHĐ. Nhưng nếu tăng LSHĐ thì lãi suất cho vay sẽ phải tăng theo.

Mà theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngay với mức lãi suất cho vay VND như hiện nay: ngắn hạn 13% - 15%/năm; trung và dài hạn 16%/năm trở lên cũng đã là khó khăn đối với họ.

Hơn nữa, việc một ngân hàng 100% vốn nước ngoài như HSBC vừa tuyên bố hạ lãi suất cho vay bằng VND xuống 12% - 13%/năm sẽ khiến một số NHTM phải xem xét lại mức lãi suất cho vay của mình. Hiện đã có một vài NHTM trong nước áp dụng mức lãi suất cho vay 13%/năm, nhưng chỉ là cho những khách hàng đặc biệt.

Đa số NHTM hiện vẫn loay hoay chưa biết làm cách gì để thực hiện được đồng thời hai mục tiêu: huy động được vốn mà vẫn hạ được lãi suất cho vay. Liệu NHNN có đưa ra được biện pháp để gỡ rối cho NHTM, mà không chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính đơn thuần?


Cafeland.vn
theo DDDN

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.