Còn ở Hà Nội, không tính tới dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn hàng chục nghìn tỉ đồng, thì Metro tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài hơn 11km, nhưng lại được điều chỉnh tăng tới hơn 40.000 tỉ đồng.
Tất cả các dự án không những được gắn thêm cụm từ ‘đắt nhất thế giới’, mà tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội đều rất chậm chạp.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: ‘Vấn đề mặt bằng, tái định cư của Hà Nội hết sức khó khăn, hầu hết các tuyến đường sắt đều đi vào khu dân cư của Thành phố Hà Nội. Đề nghị các nhà tài trợ xem đây là yếu tố đặc thù để có xử lý phù hợp với tính chất giải phóng mặt bằng của 2 thành phố lớn trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nếu đưa vào điều kiện để giải quyết vấn đề vốn thì sẽ tháo gỡ được phần nào, bởi vì vấn đề giải phóng mặt bằng cần phải có khoảng thời gian để giải quyết thỏa đáng’.
Đội vốn khủng và chậm tiến độ sẽ là trở ngại rất lớn cho việc giải ngân của các nhà tài trợ. Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hiện đang được nhắc tới nhiều nhất bởi đã chậm tiến độ 2 năm. Trong khi đó, chỉ còn hơn 1 năm nữa, hiệp định vay vốn JICA cho tuyến này sẽ hết hiệu lực. Nếu không có gói thầu xây lắp nào được thực hiện thì dự án sẽ phải đánh giá lại.
Ông Taniguchi, Đại diện tổ chức JICA tại Việt Nam cho biết thêm: ‘Đối với dự án tuyến số 2 do JICA tài trợ đang chậm 2 năm vì chờ xác minh, thẩm tra về tổng vốn đầu tư, JICA đồng ý Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có báo cáo cuối cùng vào tháng 4 năm sau. Hy vọng những động thái tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam sẽ là cơ sở để JICA có thể tiếp tục gia hạn cho khoản vay dự án này’.
Vấn đề đội vốn, đấu thầu vượt giá trần được đại diện Bộ GTVT khẳng định là đi ngược với tinh thần quản lý của phía Việt Nam và sẽ kiên quyết không triển khai thực hiện những gói thầu vượt giá trần, đồng thời tăng cường đấu thầu quốc tế rộng rãi tăng tính cạnh tranh. Còn tất cả nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ hiện được xác định chủ yếu tập trung ở phía các cơ quan quản lý của Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng tháo gỡ.
Theo các chuyên gia giao thông, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy các tuyến đường sắt đô thị chỉ đội vốn từ 10-15% cho phép, nhưng hiện tại các tuyến Metro ở 2 thành phố lớn đều đội vốn đến 100%, thậm chí hơn. Nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng, Việt Nam đang vay tiền để đầu tư phát triển, nếu sử dụng không hiệu quả thì gánh nợ trên vai con cháu sẽ ngày càng cao. Hy vọng về hạ tầng giao thông to đẹp hơn, thuận tiện hơn còn rất xa nếu như các nhà quản lý không tìm ra các giải pháp tích cực hơn.