16/07/2014 9:33 PM
Trao đổi về cơ hội cho làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thứ hai ở Việt Nam, ông Phan Thanh Bình, Trưởng bộ phận Tư vấn M&A của KPMG Limited cho rằng, các thương vụ M&A lớn, có tầm cỡ quốc gia sẽ được thực hiện vào cuối năm 2015 và trong năm 2016.

Gần đây, một số quan điểm cho rằng, kinh tế vĩ mô đang tạo cơ hội cho làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Năm 2013 chứng kiến nhiều bất ổn kinh tế cả trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, thị trường M&A của Việt Nam lại khá sôi động, với 237 thương vụ được thực hiện. Tuy nửa đầu năm 2014, giao dịch M&A trầm lắng hơn, với 83 thương vụ, giảm 10 thương vụ so với cùng kỳ năm ngoái.

Những tháng cuối năm, kinh tế thế giới tiếp tục có diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của bất ổn chính trị, tranh chấp lãnh hải... Do vậy, thị trường M&A trong nửa cuối năm 2014 sẽ ít nhiều chịu tác động, dẫn đến số lượng thương vụ M&A trong nước có thể chỉ bằng hoặc giảm so với năm 2013.

Nghĩa là, M&A sẽ không tăng?

Theo tôi, các yếu tố cơ bản thu hút đầu tư của Việt Nam vẫn còn trong dài hạn. Điển hình như cơ cấu dân số vàng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và bền vững, chế độ chính trị ổn định, các chính sách ưu đãi khá đa dạng cho đầu tư nước ngoài... Khảo sát trong năm 2013 của chúng tôi cho thấy phản ứng tích cực của các nhà đầu tư về thị trường M&A, với 70% số người được hỏi dự kiến thực hiện một thương vụ trong 5 năm tới.

Chúng tôi cũng cho rằng, các thương vụ có giá trị lớn sẽ được thực hiện vào cuối năm 2015 và trong năm 2016, cùng với các nỗ lực của Chính phủ trong việc khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua cổ phần hóa khối DN này. Việc sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra, mặc dù tiến triển sẽ chậm hơn so với dự định. Những thương vụ có tầm cỡ quốc gia sẽ tạo tiền đề thúc đẩy làn sóng M&A mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác.

Như ông đã biết, việc tái cơ cấu hệ thống DNNN đang được đẩy mạnh, với hàng loạt tên tuổi lớn sẽ được cổ phần hóa và IPO trong thời gian tới, như MobiFone, Vietnam Airlines... Ông có cho rằng, “cửa” đang mở cho các nhà đầu tư nước ngoài?

Việc tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN được Chính phủ yêu cầu thúc đẩy nhanh và mạnh sẽ góp phần thúc đẩy thị trường M&A trong vài năm tới. Cổ phần hóa các DNNN lớn như MobiFone và Vietnam Airlines, nếu thành công, sẽ tạo được một cú hích lớn cho một làn sóng cổ phần hóa nhanh và mạnh cho các DN khác.

Thêm vào đó, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm các DNNN, cũng được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Một cơ hội nữa là, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm 2015 và năm 2016, cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận các thách thức lớn trong việc tận dụng hoặc hiện thực hóa được các cơ hội.

Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Việc cổ phần hóa DNNN, nhìn từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, vẫn còn rất phức tạp, bao gồm từ việc định giá, xử lý các vấn đề tồn đọng về đất đai, lao động, sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa... Ngoài ra, việc Nhà nước sẽ vẫn nắm giữ cổ phần chi phối và thông thường chỉ bán tối đa 20 - 30% cổ phần trong các công ty lớn có thể chưa làm hài lòng các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông chiến lược, những người thường muốn có cơ hội tham gia điều hành và kiểm soát DN sau khi đầu tư một cách sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì các ngành nghề kinh doanh trong nước có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Khi tái cơ cấu một bộ phận của nền kinh tế, các bộ phận khác sẽ bị ảnh hưởng.

Với những gì đang diễn ra, tôi nghĩ, Chính phủ đang cố tiến hành tái cơ cấu toàn diện, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải cân đối nhiều nhu cầu khác nhau ở nhiều ngành khác nhau. Ngoài ra, còn một loạt câu hỏi khác như cải cách tốn kém thế nào, chi phí lấy ở đâu, có ngân sách để làm không, thu thêm loại thuế gì để bù vào?...

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, cơ hội đã có, khó khăn thách thức cũng đã được nhận diện, chúng ta cần một cú hích và sự nỗ lực thực chất để tận dụng các cơ hội này.

Nguyên Đức (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.