23/10/2010 7:26 AM
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, theo Báo cáo các rủi ro về khí hậu và các biện pháp thích ứng tại các siêu đô thị ven biển châu Á được công bố tại Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 22/10 thì các siêu đô thị ven biển của châu Á sẽ bị ngập lụt thường xuyên hơn, phạm vi rộng hơn, và ảnh hưởng nhiều hơn tới hàng triệu người, nếu xu thế biến đối khí hậu hiện nay vẫn tiếp diễn.
Báo cáo này đã nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với Bangkok, TP.HCM và Manila, theo một loạt các kịch bản khác nhau cho tới năm 2050. Báo cáo là kết quả của hai năm hợp tác nghiên cứu giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Báo cáo đã chỉ ra rằng phí tổn do các trận lụt gây ra cho cơ sở hạ tầng và nền kinh tế sẽ lên tới con số hàng tỷ đô la, với những cư dân nghèo là những đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất. Báo cáo kết luận rằng tất cả ba thành phố trên đều cần phải có những cách thức tiếp cận có mục tiêu, theo đặc thù của thành thị và theo cáh thức tiến bộ nhất để có thể vượt qua những thách thức này.


Mực nước biển ở Việt Nam có thể dâng thêm 100 cm vào cuối thế kỷ 21. Ảnh minh họa.


Mực nước biển ở Việt Nam có thể dâng thêm 100 cm vào cuối thế kỷ 21. Ảnh minh họa.

Bangkok, TP.HCM, và Manila đều có gần hoặc hơn 10 triệu dân, đều là những trung tâm tăng trưởng kinh tế của quốc gia và khu vực đóng góp quan trọng cho GDP của mỗi nước. Là những siêu đô thị ven biển, tất cả đều phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến khí hậu đang ngày càng gia tăng như mực nước biển dâng cao và sự xuất hiện ngày càng nhiều những hiện tượng thời tiết cực đoan. Báo cáo lập luận rằng trong khi các biện pháp khuyến cáo nhằm đối phó với lụt lội đã được áp dụng tại các thành phố này, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.

Quản lý môi trường đô thị có hiệu quả là điều quan trọng đối với các thành phố nhằm giải quyết các rủi ro liên quan đến khí hậu. Sụt lún đất do khai thác nước ngầm, đổ các chất thải rắn xuống các kênh rạch của thành phố, chặn dòng các hệ thống thoát nước, và tàn phá rừng tại các rừng phòng hộ đầu nguồn, tất cả đều gây ra tình trạng lụt lội trong thành phố. Quản lý tốt hơn các vấn đề môi trường này sẽ giúp quản lý tốt hơn các tác động liên quan đến khí hậu trong tương lai.

Từ những thiệt hại gây ra liên quan đến biến đổi khí hậu, bản báo cáo cũng khuyến nghị rằng chính quyền các siêu đô thị ven biển cần chủ động tiến hành các biện pháp nhằm giải quyết các rủi ro về khí hậu như là một phần không thể thiếu được trong qui hoạch đô thị. Vấn đề này bao gồm xây dựng các khuôn khổ chiến lược thích ứng đô thị cho quản lý các rủi ro khí hậu, nâng cao năng lực thể chế để thích ứng và thực hiện các biện pháp như qui hoạch sử dụng đất và phân vùng nhằm giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của đô thị.

Tại Bangkok, lụt lội xảy ra do lún sụt đất và lượng mưa tăng lên tại các điểm hội lưu dòng thoát qua thành phố. Vì thế, các biện pháp để kiểm soát việc khai thác nước ngầm, cải thiện dự báo lụt và thông tin, tôn cao đê kè và đầu tư nâng cấp công suất các trạm bơm là cần thiết. Mối đe dọa từ mực nước biển dâng cao và các trận bão lớn được cho thấy là ít trầm trọng hơn, nhưng vẫn bắt buộc đầu tư vào bảo vệ khu vực ven biển và qui hoach sử dụng đất là những yếu tố phải tính đến về triển vọng lâu dài.

Ở TP.HCM, báo cáo nhận định rằng khoảng 26% dân cư hiện tại đang bị ảnh hưởng của những trận bão cực đoan, nhưng những con số này có thể tăng lên tới hơn 60% vào năm 2050. Chính phủ đã bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố, kế hoạch này có thể đưa ra một khuôn khổ tổng thể về các biện pháp thích ứng đối với từng lĩnh vực. Các cách tiếp cận dựa trên cơ sở hạ tầng có thể kết hợp với các cách tiếp cận dựa trên sinh thái-kinh tế một cách hữu dụng như quản lý các vùng cây ngập nước và khôi phục các vùng ngập nước của đô thị.

Tại Manila, báo cáo nhận định rằng kịch bản trường hợp xấu nhất một trận ngập lụt lớn có thể gây tổng thiệt hại gần như một phần tư GDP của khu vực siêu đô thị này. Các đe dọa chủ yếu đối với Manila là lượng mưa lớn, nước biển dâng, cũng như các cơn bão ngày càng mạnh hơn. Báo cáo cũng khuyến nghị rằng tiếp tục cải thiện và thiết kế lại cơ sở hạ tầng kiểm soát lụt là cần thiết.

Các kết quả của báo cáo về ba thành phố là một chỉ số về xu thế phát triển trong tương lai cho các siêu đô thị khác trên thế giới, từ châu Á đến châu Phi. Những thông điệp chủ yếu của báo cáo này bao gồm những vấn đề: Quản lý tốt hơn môi trường đô thị và cơ sở hạ tầng sẽ giúp quản lý những tác động tiềm tàng liên quan đến khí hậu tại các thành phố ven biển; Các rủi ro về khí hậu cần phải được xem xét như một phần không thể thiếu được trong qui hoạch thành phố và khu vực; Yêu cầu phải có các giải pháp riêng cho từng thành phố, kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, phân vùng, và các chiến lược dựa trên sinh thái - kinh tế.
Cafeland.vn - Theo Báo ĐCSVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.