Các nhà sản xuất phần cứng điện tử đang vô cùng lo lắng khi giá kim loại đất hiếm lên cao trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt và căng thẳng âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Trung Quốc là nhà cung cấp số 1 thế giới của loại nguyên liệu quan trọng này.
Theo Max Hsiao, quản lý cấp cao của một nhà sản xuất linh kiện âm thanh có trụ sở tại Dongguan, Trung Quốc, tình trạng khan hiếm chủ yếu là do loại hợp kim từ tính có tên là praseodymium neodymium. Giá kim loại mà công ty của Hsiao sử dụng để lắp ráp loa cho Amazon và Lenovo đã tăng gấp đôi kể từ tháng 6 năm ngoái, lên khoảng 760.000 Nhân dân tệ (117.300 USD) mỗi tấn vào tháng 8 năm nay.
Hsiao nói: “Chi phí của loại vật liệu quan trọng này tăng mạnh đã làm giảm 20% biên lợi nhuận gộp của chúng tôi. Xu hướng này sẽ khó đảo chiều trong thời gian ngắn”.
Praseodymium và neodymium là kim loại đất hiếm được sử dụng để chế tạo nam châm vĩnh cửu, thành phần không thể thiếu trong các thiết bị công nghệ từ loa và động cơ xe điện đến các thiết bị y tế và đạn dược.
Nhu cầu về đất hiếm đã tăng mạnh do chúng được sử dụng ngày càng nhiều trong các công nghệ hiện đại, bao gồm cả ngành công nghiệp xe điện. Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu về các thiết bị điện tử.
Trung Quốc là quốc gia duy nhất có chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh từ khai thác, tinh chế, chế biến. Theo Geology, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam, Brazil, Nga, Ấn Độ là 4/5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Nhưng tổng sản lượng của các quốc gia này không bằng 1/5 Trung Quốc (số liệu năm 2018).
Theo chuyên gia nghiên cứu hàng hóa Roskill, tính đến năm ngoái, Trung Quốc kiểm soát 55% sản lượng khai thác đất hiếm của toàn thế giới và 85% sản lượng tinh chế các nguyên tố đất hiếm. Vào tháng 1/2021, Bắc Kinh ám chỉ rằng họ có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu đất hiếm, làm tăng giá loại vật liệu này.
Theo Shanghai Metals Markets, đất hiếm như neodymium oxide, nguyên liệu đầu vào quan trọng cho động cơ và tua-bin gió, đã tăng giá 21,1% kể từ đầu năm. Holmium, cũng được sử dụng trong nam châm và hợp kim từ trở cho cảm biến và thiết bị truyền động, đã tăng gần 50%.
Trước đây, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng quyền kiểm soát đất hiếm để đạt được các mục đích ngoại giao. Mỹ cho rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong năm 2010 và 2011 do tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng 6 cho biết: “Việc Trung Quốc thực thi một cách khéo léo chính sách xuất khẩu đã khiến giá đất hiếm tăng theo cấp số nhân”.
Trong khi đó, giá các kim loại thông thường như thiếc, đồng, nhôm và thép, mà Trung Quốc cũng có tầm ảnh hưởng lớn, cũng đã tăng kể từ năm ngoái. Hsiao, cho biết thiếc đã tăng giá gần gấp đôi so với một năm trước.
Khi Bắc Kinh và Washington đang tranh giành ưu thế về công nghệ, việc Trung Quốc kiểm soát nguồn cung cấp đất hiếm và các kim loại khác có thể tạo ra lợi thế để để đẩy lùi sức ép từ Mỹ.
Angela Chang, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp tại Đài Loan, cho biết: "Trung Quốc có ưu thế, họ thống trị sản xuất và tinh chế các vật liệu đất hiếm quan trọng trên toàn cầu. Họ cũng kiểm soát một số kim loại quan trọng khác. Tất cả đều cần thiết để chế tạo các thiết bị dân dụng, công nghiệp và cả thiết bị quân sự và hàng không vũ trụ”.
“Lợi thế này đã trở thành con bài mặc cả quan trọng để Bắc Kinh đàm phán với Washington. Căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường sẽ chỉ đẩy giá các nguyên liệu thiết yếu lên cao hơn nữa trong dài hạn”.
Các nhà sản xuất linh kiện điện tử nhỏ và vừa sẽ chịu áp lực đầu tiên khi giá kim loại đất hiếm tăng, vì họ không đủ vị thế để có thể tính phí phụ trội này cho khách hàng, vốn là các tập đoàn đa quốc gia như HP, Dell, Apple Samsung và các nhà sản xuất ô tô lớn.
Ngay cả khi không có yếu tố chính trị, việc áp dụng vật liệu này ngày càng nhiều vào các thiết bị thông minh và công nghệ mới như 5G sẽ khiến giá đất hiếm và mọi nguyên liệu tăng cao.
Hou Jinchen, nhà phân tích của Shanghai Metals Market, cho biết: “Ngành xe điện cũng sẽ tiêu thụ nhiều vật liệu đất hiếm hơn, bao gồm praseodymium và neodymium và nhiều loại khác. Có thể có biến động, nhưng việc tăng giá sẽ trở thành một điều “bình thường mới” trong tương lai”.
Steve Lin, Chủ tịch Auras Technology, nhà cung cấp giải pháp nhiệt hàng đầu cho Apple, Dell, Facebook và Amazon, cho biết giá nguyên liệu thô như đồng tăng vọt đã đẩy tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty ông xuống khoảng 18% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn mức trung bình 20%.
Lin nói: “Chúng tôi đang cố gắng đàm phán với khách hàng và một số đã đồng ý trả thêm một vài chi phí cho các kim loại thô. Hy vọng tỷ suất lợi nhuận của chúng tôi sẽ quay lại mức 20% trong thời gian còn lại của năm nay”.
Synergy ScienTech, một nhà sản xuất pin có trụ sở tại Tân Trúc, Đài Loan chuyên cung cấp sản phẩm cho Apple, Logitech và Sennheiser, cũng đau đầu với việc chi phí vật liệu tăng.
“Chúng tôi chủ yếu mua những nguyên liệu thô này từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc đại lục", một giám đốc điều hành của Synergy cho biết. “Chúng tôi giám sát giá nguyên vật liệu rất chặt chẽ, nhưng nó vẫn trở thành gánh nặng ngày càng tăng cho doanh nghiệp”.
-
Tự chủ nguyên liệu để giá thép không "lẽo đẽo" theo thị trường
Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, nhưng kể từ ngày 28/6/2012 khi Quốc hội chính thức ban hành Luật Giá (Luật số 11/2012) thì một số mặt hàng trong đó có thép đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá...
-
Hai tỷ phú Ấn Độ rời khỏi câu lạc bộ 100 tỷ USD
Hai tỷ phú hàng đầu Ấn Độ, ông Mukesh Ambani và ông Gautam Adani, đã chính thức rời khỏi câu lạc bộ "centibillionaire" (những người sở hữu tài sản trên 100 tỷ USD).
-
Myanmar muốn gia nhập BRICS, Nam Phi phủ nhận kế hoạch tạo đồng tiền chung
Trong bối cảnh BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) mở rộng thành viên và đẩy mạnh ảnh hưởng toàn cầu, Myanmar vừa tuyên bố mong muốn trở thành thành viên của khối này....
-
Mỹ sắp đưa 140 công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách hạn chế
Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2022, Washington triển khai các chính sách nhằm kìm hãm tham vọng công nghệ c...