Tại buổi làm việc lần thứ 3 giữa Vụ công nghiệp nặng Bộ Công Thương với tỉnh BR-VT về các DA thép trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra giữa tháng 9, ông Nguyễn Văn Thắng - chuyên viên cao cấp Vụ Công nghiệp nặng cho biết: Việc BR-VT cấp phép nhiều như thế, Vụ đã cảnh báo từ lâu rồi: cảnh báo địa phương, cảnh báo cả các nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư vẫn vào, tỉnh vẫn ủng hộ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc địa phương BR-VT có đến 10 DA/tổng số 18 DA thép được cấp phép đầu tư nằm ngoài quy hoạch phát triển ngành thép đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng công suất luyện phôi vượt 2.850.000 tấn, thép cán vượt 3.310.000 tấn. Trong đó có 7 DA không hề xin ý kiến của Bộ Công Thương.
Gánh nặng cho hạ tầng
Theo ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, khi xét các yếu tố để cấp phép đầu tư bất cứ một dự án
Với 18 DA đầu tư ngành thép đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, BR-VT đang là tỉnh có số lượng DA SX thép nhiều nhất cả nước với tổng công suất 3.750.000 tấn phôi /năm; 1000.000 tấn thép hình, thép tròn, thép trơn cường độ cao; và 10.151.000 tấn thép cán/năm. Dự báo, khi tất cả các DA thép đã cấp phép đồng loạt đi vào hoạt động, và phát huy hết công suất, tình trạng thiếu điện; Nguy cơ thiếu nước; Cơ sở hạ tầng đi theo phục vụ các DA sẽ không theo kịp (kể cả khâu xử lý chất thải của ngành thép). |
Cảnh báo từ điện
Thực tế, đã có những bài học “nhãn tiền” cho BR-VT trong việc cấp phép tràn lan DA thép như: thiếu điện; Tồn đọng quá nhiều sỉ thải - mặc dù số lượng DA đi vào hoạt động mới chỉ một nửa và chưa hết công suất. Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: không một dự án nào, kể cả POSCO có nhiều dự án thép công suất lớn cũng không tự đầu tư nhà máy điện. Vì thế năm nào Sở Công Thương cũng phải “chạy đôn chạy đáo” để “lo điện” cho các DA thép. Song do nguồn cung có hạn nên lượng điện được phân bổ rất hạn chế. vì thế cả tỉnh đã phải “thắt lưng buộc bụng” để “dành” điện cho SX thép. Hiện, sản lượng điện tỉnh BR-VT đề xuất xin Bộ phân bổ năng lượng là 2.100 MW mới tạm ổn định cho nhu cầu SXKD và sinh hoạt. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Chuyện, “2.100 MW trong tổng số 15.000 MW của cả nước, chiếm 1/7 tổng sản lượng điện cả nước-là con số không tưởng. Đề xuất với sản lượng lớn như vậy là không khả thi”. Với cảnh báo này, chắc chắn tình hình cấp điện vào mùa khô những năm tới sẽ không khả quan hơn năm 2009 và 2010. Thiếu điện chắc chắn sẽ lại tái diễn, thậm chí còn có thể trầm trọng hơn bởi khả năng sẽ có thêm một vài dự án mở rộng của các nhà máy thép đang hoạt động đi vào vận hành trong năm 2011. Đáng nói là trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng, Sở Công Thương phải làm việc với các nhà máy thép nhiều lần yêu cầu tiết giảm SX nhưng “chẳng mấy ai chấp hành”.
Cần kiên quyết
Trước thực trạng DA thép đã vượt quá sức gánh vác của tỉnh, mới đây, UBND tỉnh BR-VT đã chỉ đạo rà soát lại tình hình triển khai các DA thép, qua đó đề xuất Bộ Công thương rút phép 5 DA chậm triển khai. Ông Trần Ngọc Thới - Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: quan điểm của tỉnh là sẵn sàng “sửa sai” để tránh hậu quả về lâu dài sau này.
Tuy nhiên, phía Ban quản lý các KCN thì lại cho rằng: việc rút phép sẽ rất khó khăn. Về phía cơ quan chủ quản chuyên ngành cao nhất là Bộ Công Thương, ông Bùi Quang Chuyện khẳng định: vẫn biết cấp phép cho DA dễ hơn là thu hồi. Nhưng “khó cũng phải làm”. Bởi trong điều 62 luật đầu tư đã quy định: sau 12 tháng cấp phép mà DA không triển khai, không có lý do chính đáng thì thu hồi. Nếu không thì sẽ trở thành DA treo. Thu hồi đất của dân mà DA treo, để đất không, rất lãng phí.
Ông Chuyện cũng đề nghị địa phương BR-VT khẩn trương rà soát lại lần cuối để trong tháng 9 này chính thức có văn bản đề xuất Bộ. Những DA nào đã được cấp phép, có khả năng triển khai được, thì đề nghị Bộ bổ sung. Ngược lại những DA nào không có khả năng thì kiên quyết thu hồi. Tuy nhiên việc xem xét thu hồi cũng phải cân nhắc thật kỹ, thật cẩn trọng nhưng cũng thật kiên quyết vì nó liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư và liên quan đến chính sách đầu tư của tỉnh.