Thị trường địa ốc tới đây cũng sẽ xuất hiện nhiều dự án phù hợp hơn với túi tiền của người dân. Tại huyện ngoại thành Nhà Bè, công ty địa ốc Hoà Bình cũng chuẩn bị dự án chung cư năm tầng, gồm 500 căn hộ, diện tích trung bình 50m2. Giá bán dự kiến chỉ từ 5 – 6 triệu đồng/m2, tức giá khoảng 250 – 300 triệu đồng một căn.
Công ty TNHH TM-XD Lê Thành cũng chuẩn bị triển khai dự án cụm chung cư Lê Thành (quận Bình Tân, TP.HCM), với quy mô bảy block, cao 10 – 16 tầng, gồm 1.154 căn hộ có diện tích 50 – 81,4m2. Đây là chung cư dành cho người có thu nhập trung bình với giá gốc khoảng 10 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, khu vực thành phố mới ký được hợp đồng cho 210 trường hợp cá nhân vay 120 tỉ (49 tỉ được giải ngân) và mới chỉ có một doanh nghiệp là công ty Hoàng Quân được vay vốn trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Nghiên cứu của công ty Savills Việt Nam cũng cho thấy, hiện trên thị trường, lượng căn hộ diện tích nhỏ, phù hợp với túi tiền chỉ có 6% lượng hàng tồn kho.
Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chính sách hỗ trợ của gói tín dụng đang đi không đúng hướng. Đơn cử như, lượng hàng tồn kho bất động sản còn nhiều nhưng gói tín dụng lại cho nhiều dự án mới được vay. Cụ thể, trong bốn dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM được chuyển sang làm nhà ở xã hội, thì chỉ có duy nhất dự án của công ty cổ phần 584 ở Tân Phú là xây dựng đã xong hơn 75% phần thô. Những dự án được chuyển khác như: dự án Hưng Điền của Tấn Hưng quận 8, Bình Chánh; dự án của công ty cổ phần Thủ Thiêm, quận 2; dự án của công ty Hoàng Quân ở huyện Bình Chánh đều chưa khởi công và không phải là hàng tồn kho. Bộ Xây dựng cho rằng đã giảm được 3.000 căn hộ tồn kho nhưng thực tế lại khác. Đến nay TP.HCM mới bán được trên 100 căn chung cư trả góp.
TS Đỗ Thị Loan, một người theo dõi lĩnh vực bất động sản, cho rằng gói tín dụng sẽ là “dự án treo” nếu không hỗ trợ đúng chỗ, đúng người, đúng định hướng.