Cổ phiếu của các công ty xây dựng hàng đầu niêm yết trên sàn TPHCM như Hòa Bình (HBC) và Coteccons (CTD) đã tăng giá mạnh trong khoảng hai ba tuần trở lại đây với tốc độ hơn 20% sau khi kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm 2016 được công bố. Tất nhiên báo cáo tài chính năm còn phải chờ kiểm toán, nhưng cả hai đều có lợi nhuận ấn tượng, mức tăng tính bằng lần so với cùng kỳ và những năm trước.

Liên quan đến bất động sản, các cổ phiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là cổ phiếu thép, đạt kết quả lợi nhuận khả quan, cao nhất kể từ khi niêm yết và cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế vốn tác động trầm trọng đến thị trường chứng khoán năm 2008. Ảnh: Mai Lương

Lợi nhuân sau thuế của Coteccons cán mốc 1.400 tỉ đồng, còn của Hòa Bình hơn 570 tỉ đồng. Hiện trên các công trình dự án bất động sản lớn, đơn vị thi công đều là Hòa Bình hoặc Coteccons hoặc cả hai. Cho nên không có gì bất ngờ khi các doanh nghiêp này cho biết đã ký được những hợp đồng tầm cỡ cho cả năm 2017 và đang trong tình trạng làm không hết việc.

Cũng liên quan đến bất động sản, các cổ phiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là cổ phiếu thép, đạt kết quả lợi nhuận khả quan, cao nhất kể từ khi niêm yết và cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế vốn tác động trầm trọng đến thị trường chứng khoán năm 2008. Các doanh nghiệp thép lớn như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) lập kỷ lục về lợi nhuận đã đành, những công ty tầm trung như Nam Kim (NKG), Tiến Lên (TLH), Thép Việt - Ý (VIS), Pomina, SMC... cũng không thua kém khi lợi nhuận sau thuế cải thiện đã đẩy EPS bình quân của cả ngành lên rất cao, phải nói thuộc tốp đầu thị trường. Nếu vẫn giữ được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận như năm ngoái, “sóng” cổ phiếu thép có thể chưa dừng lại.

Năm 2016, trên danh nghĩa VN-Index tăng 15,7% nhưng chủ yếu nhờ SAB và ROS niêm yết cuối năm. Nếu không tính hai cổ phiếu đó, chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng 8,5%.

Trong ngắn hạn các cổ phiếu hàng hóa nguyên liệu đang thay nhau dẫn dắt thị trường dưới tầm ảnh hưởng của sự biến động giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Con sóng cổ phiếu thép, cao su, các công ty sử dụng nhiều nguyên liệu hàng hóa như đồng, chì, kẽm hay đơn giản và dễ nhìn thấy nhất là xăng dầu (vận tải hành khách, hàng hóa) có thể thay nhau tạo ra ở một mức độ nhất định nào đó sức hút cho chứng khoán để tiền vẫn nằm trong vòng quay thị trường.

Không phải tất cả nhưng hầu hết các cổ phiếu dạng trên đều ít nhiều liên quan đến thị trường bất động sản, mà sự phục hồi trong thời gian vừa qua có lẽ đã đi đến giới hạn trong ngắn hạn. Nguồn cung căn hộ cao cấp đang tiếp tục chảy ra thị trường bất chấp nhu cầu tiêu thụ chững lại. Một tỷ trọng không nhỏ khách hàng giải ngân vào căn hộ cao cấp không phải để ở, mà để đầu tư. Hơn nữa vốn đầu tư, phần lớn, lại được vay ngân hàng. Chỉ cần thời gian đầu tư bắt buộc phải kéo dài hơn dự kiến do biến động thị trường là giá cả chuyển nhượng thay đổi bởi việc xiết nợ của ngân hàng đang ngày càng quyết liệt hơn.

Trên thực tế, không giống các nhóm khác, cổ phiếu bất động sản kéo dài chuỗi ngày bất động, ngay cả những cổ phiếu ở tốp trên như VIC, KDC... thị giá của chúng luôn trong tình trạng đi ngang hoặc đi xuống. Ở tốp dưới còn hàng loạt cổ phiếu bất động sản thị giá 5.000-7.000 đồng hay thấp hơn. Dường như giao dịch của cổ phiếu bất động sản là cảnh báo về sự đi lên chưa thể bền chắc của những nhóm cổ phiếu ăn theo khác.

Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu tài chính không phải nhóm ăn theo, mà là nhóm góp sức định hình sự quanh co hay phục hồi thẳng đứng của VN-Index. VCB đã tăng từ 35.000 lên trên 39.000 đồng, BID từ 14.000 lên hơn 17.000 đồng, STB từ 7.500 lên 10.000 đồng, CTG từ 14.000 lên 18.500 đồng.

Trên sàn Hà Nội cổ phiếu ACB đã leo thang từ 17.000 tới gần 24.000 đồng. Những thông tin về xử lý nợ xấu, lợi nhuận cải thiện và dự báo tỷ giá ổn định, sẽ tháo gỡ một số tổ chức tín dụng yếu kém... đã giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng. Từ mức này, liệu cổ phiếu ngân hàng có chạy tiếp? Nếu không VN-Index sẽ khó tạo ra một khoảng cách với cột mốc nhạy cảm 700 điểm. Các nhóm cổ phiếu ăn theo không phải những anh hào có thể tạo nên bảy sắc cầu vồng cho chỉ số chứng khoán.

Các nhà môi giới chủ chốt trên thị trường gồm những công ty chứng khoán trong tốp 10 chiếm thị phần môi giới to nhất trên Hose đã và vẫn phát hành báo cáo nhận định năm nay VN-Index có thể lên 740-750 điểm. Thậm chí có công ty dự báo thị trường có khả năng vươn lên tầm cao 800 điểm. Đến cả công ty quản lý quỹ VinaCapital cũng lên tiếng thị trường sẽ đạt đỉnh cao nhất kể từ tám năm qua. Một nhà đầu tư nhận xét khi cả thị trường cùng đồng lòng như thế, có khi VN-Index sẽ tăng trưởng đến vậy thật.

Tuy nhiên sự lạc quan nào cũng cần dựa trên “có thực mới vực được đạo”, tức dòng tiền vào thị trường. Một số quỹ ETFs đã tạm thời hết bị rút tiền ra, quỹ khác bắt đầu được rót vốn dù còn ít và chậm. Tiền nội mới ở đâu? Chưa thấy có nguồn nào. Thống kê chỉ ra năm 2016 trên danh nghĩa VN-Index tăng 15,7% nhưng chủ yếu nhờ SAB và ROS niêm yết cuối năm. Nếu không tính hai cổ phiếu đó, chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng 8,5%. Xem ra hy vọng tăng 5-10% cho năm nay cũng có thể chấp nhận được!

Thành Nam (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.