Mất thu nhập, nhiều người Mỹ không thể thanh toán tiền thuê nhà. Tuy nhiên, lệnh cấm trục xuất giúp họ không bị đuổi khỏi nhà. Điều này đẩy các chủ nhà vào cảnh cạn tiền.

Theo CNN, trong vòng 30 năm, bà Maral Boyadjian đã xây dựng một "đế chế" bất động sản bao gồm 8 ngôi nhà cho thuê ở miền Nam California. "Một số người chi tiền để mua những ngôi nhà lớn hơn, xe hơi tốt hơn hoặc đi du lịch. Còn chúng tôi sống rất tiết kiệm", bà chia sẻ. "Chúng tôi dồn hết tiền lại để mua thêm nhà cho thuê", bà Boyadjian nói thêm.

Trước đây, tiền thuê nhà giúp cặp vợ chồng có thu nhập và trang trải mọi chi phí. Nhưng đã nhiều tháng qua, khách thuê tại ba trong số các ngôi nhà của họ ở Thung lũng San Fernando không thể trả tiền thuê nhà. Hai vợ chồng cũng không thể đuổi những người này vì lệnh cấm của bang.

Trong số ba khách thuê, một người đã thu xếp trả 25% số tiền. Bà Boyadjian tiết lộ người thuê nhà này khiến bà được an ủi. Bởi ít nhất, họ cũng đã cố gắng để trả một khoản tiền. Tuy nhiên, những người khác không thanh toán từ hồi tháng 8. "Tôi thấy mình như bị lợi dụng", bà Boyadjian than thở.

Với lệnh cấm trục xuất, các chủ nhà ở Mỹ không thể đuổi người thuê nhà ngay cả khi họ không thanh toán tiền nhà. Ảnh: Reuters.

Chủ nhà cạn tiền

"Cho thuê nhà là cách tôi kiếm sống. Nhưng 'công việc' này không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào từ chính quyền. Trong khi đó, thu nhập của chúng tôi vẫn bị cắt giảm", bà bức xúc.

Cho đến nay, bà Boyadjian vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ như trả thuế tài sản và tiền bảo hiểm. Không những thế, bà còn phải trả tiền cho người làm vườn và nhân viên bảo dưỡng bể bơi.

Những người cho thuê nhà ngày càng tuyệt vọng khi đại dịch Covid-19 kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, các gói trợ cấp của chính phủ cạn kiệt và lưỡng đảng Mỹ chưa thể thống nhất về gói kích thích bổ sung.

Theo dữ liệu điều tra dân số của Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách, ước tính khoảng 9,2 triệu người thuê nhà mất thu nhập vì đại dịch. Báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia chỉ ra các hộ gia đình thuê nhà mất việc sẽ nợ trung bình 5.400 USD trong tháng 12.

Chính phủ đang đặt các chủ nhà vào thế khó. Không ít người sẽ than vãn: "Tôi không còn đủ tiền để kinh doanh cho thuê nhà nữa"

- Ông David Howard, Giám đốc điều hành tổ chức National Rental Home Council

Theo lệnh cấm trục xuất toàn quốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), chủ nhà sẽ là người chịu ảnh hưởng khi tiền thuê nhà giảm và không thể đuổi người thuê không trả tiền.

"Điều này trở thành mối lo ngại cho các chủ nhà. Với lệnh cấm trục xuất, bạn không biết tương lai ra sao. Bạn chẳng thể hay bao giờ sẽ được trả tiền", ông David Howard, Giám đốc điều hành tổ chức National Rental Home Council, bình luận.

Theo hãng tư vấn Stout, sau khi lệnh cấm của CDC hết hạn, khoảng 5 triệu người thuê nhà trên khắp đất nước sẽ bị đuổi khỏi nhà vào tháng 1. 14 triệu hộ gia đình khác cũng đứng trước nguy cơ này. Ông Howard ủng hộ cách hỗ trợ tiền trực tiếp cho chủ nhà hoặc trao tiền cho người thuê để trả tiền nhà.

Các ngôi nhà dành cho hộ gia đình chiếm 50% nhà cho thuê. Nhiều người trong số chủ nhà sống dựa vào thu nhập cho thuê để trang trải chi phí. "Chính phủ đang đặt những người này vào thế khó. Không ít người sẽ than vãn: 'Tôi không còn đủ tiền để kinh doanh cho thuê nhà nữa'", ông Howard bình luận.

Ảnh hưởng bên trung gian

"Các đối tượng bị ảnh hưởng không chỉ là chủ sở hữu nhà, mà còn là bên trung gian chịu trách nhiệm bảo trì và thu tiền nhà", ông Peter Grey, Chủ tịch Pyramid Real Estate Group (Stamford, bang Connecticut), bình luận. Theo ông Grey, một số khách hàng là chủ nhà đã không thanh toán cho ông. "Chúng tôi thường là những người cuối cùng được họ trả tiền", ông tiết lộ.

"Tôi còn chứng kiến nhiều chủ nhà không thanh toán cho việc dọn rác, khiến điều kiện sống của người thuê nhà tệ hại hơn. Chúng tôi cũng nhận được những cuộc gọi phàn nàn về việc không có máy sưởi. Họ cũng không đóng thuế bất động sản và trả tiền thế chấp", ông Grey nói.

Công ty của ông Grey quản lý cho một ngôi nhà gặp sự cố về đường ống dẫn nước. Công ty đã chi 38.000 USDđể sửa chữa nhưng chủ nhà không thanh toán hóa đơn. "Chúng tôi thậm chí phải nhờ luật sư tham gia", ông than thở.

Theo ông, tệ hơn là nhiều chủ nhà vay tiền để mua nhà và không có tiền dự trữ. "Họ không có tiền dự trữ hay vốn chủ sở hữu trong ngôi nhà để vay vốn", ông Grey nói thêm.

Các chủ nhà ngày càng tuyệt vọng khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở ngưỡng cao, trong khi Quốc hội Mỹ vẫn không thể đạt thỏa thuận về gói kích thích bổ sung. Ảnh: Reuters.

Thu nhập của các chủ nhà giảm đi, trong khi hao mòn tài sản lại tăng lên. Tuy nhiên, năm nay, nhiều kế hoạch bảo trì bị trì hoãn hoặc hủy bỏ vì chủ nhà đã cạn tiền. "Có quy định yêu cầu chủ nhà phải sửa chữa nhà kịp thời. Nhưng nhiều người không còn tiền để làm việc đó", Chủ tịch Pyramid Real Estate Group tiết lộ.

"Vì lệnh cấm trục xuất, tôi không thể đuổi nhiều người thuê nhà không trả tiền", ông Grey nói. Tuy nhiên, vị doanh nhân nhận thấy đa số khách thuê nhà đều san sẻ và cố hết sức để trả tiền cho ông. "Tôi không muốn dồn ai vào chân tường. Tôi muốn những điều tốt đẹp cho khách thuê nhà của mình", ông chia sẻ.

"Khi bắt đầu công việc, tôi cho rằng công việc kinh doanh sẽ tệ hại nếu không quyết liệt hơn. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng, làm việc với mọi người lại là công việc tốt", ông nói thêm.

Zing News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.