Theo kế hoạch, Ngân hàng Phương Nam sẽ sáp nhập vào Sacombank trong thời gian tới - Ảnh: T.T.D.
Dành trọn cả ngày 7-6, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học VN trong và ngoài nước góp ý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của VN.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tài chính và phát triển nguồn nhân lực là hai trong bốn chủ đề được các nhà khoa học VN đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản... thẳng thắn tập trung đóng góp và kiến nghị giải pháp cụ thể.
Lãi suất vẫn cao
Quan tâm đặc biệt đến hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng Mỹ, cho rằng để nền kinh tế phát triển và ngành ngân hàng tránh được cú sốc khi có sự tấn công mạnh mẽ của các ngân hàng ngoại trong vài năm tới thì ngành ngân hàng phải giải quyết nợ xấu một cách thực chất.
Cụ thể, ông Hiếu đề nghị cần giảm số lượng ngân hàng thương mại của VN xuống khoảng 15 ngân hàng thay vì khoảng 30 đơn vị như hiện nay. Vốn chủ sở hữu của một vài ngân hàng “đầu tàu” phải nâng lên tối thiểu 5 tỉ USD/ngân hàng, như vậy mới có thể mở rộng hoạt động và cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á.
Đồng quan điểm ông Hiếu, trao đổi với báo giới bên lề diễn đàn, GS Nguyễn Đức Khương, chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia VN tại Pháp, cho rằng VN cần phải giảm thiểu số lượng ngân hàng. Vì quy mô thị trường cần số lượng ngân hàng ít hơn nhưng chất lượng lại mạnh hơn, có đủ khả năng điều phối về vốn và chống lại những rủi ro, cú sốc nội tại của nền kinh tế.
Ở một góc độ khác, GS Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, lo ngại khi chúng ta đã ký tới 10 hiệp định thương mại tự do với một loạt các nước song khả năng cạnh tranh của VN lại rất yếu. Nhìn riêng ở góc độ lãi suất, các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp các nước khác khi lãi suất cho vay của ta lên tới 8 - 9%/năm, trong khi các nước chỉ 1 - 2%, thậm chí dưới 1%/năm.
Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại diễn đàn - Ảnh: L.Thanh
Nâng chất nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực cũng là một vấn đề được các nhà khoa học Việt kiều đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của VN trong năm năm tới. TS Trần Hải Linh, từ Trường ĐH Chonbuk (Hàn Quốc), đã dùng kinh nghiệm cải cách giáo dục ĐH nhằm tạo ra thành tựu phát triển khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc để chứng minh “giáo dục ĐH là động lực then chốt đằng sau sự phát triển của nền kinh tế”.
Với những điểm tương đồng giữa hai nước, TS Linh cho rằng có khả năng áp dụng những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc để cải cách giáo dục ĐH. TS Trần Hải Linh đề xuất cần trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo ĐH về tuyển sinh, tự chủ về giảng viên và nghiên cứu viên, về giảng dạy và nghiên cứu, tài chính, chương trình đào tạo...
Đồng thời cần đa dạng hóa chính sách thu hút trí thức người VN ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu. Theo đánh giá của TS Linh, đội ngũ trí thức, nhà khoa học VN ở nước ngoài muốn cống hiến, đóng góp nhưng thiếu thông tin, cầu nối.
Cùng chung mối quan tâm đến cải cách giáo dục ĐH, từ Chicago (Mỹ), GS Ngô Bảo Châu đã tham gia ý kiến với diễn đàn qua video. GS Ngô Bảo Châu cho biết những khuyến nghị về đổi mới giáo dục ĐH được ông trình bày là kết quả nghiên cứu của nhóm “Đối thoại giáo dục”.
Trong đó, một số khuyến nghị đưa ra không phải là mới nhưng vẫn là cần thiết đối với cải cách giáo dục ĐH ở VN và cần sớm được thực hiện vì so với thế giới, “vùng trũng của giáo dục VN nằm ở giáo dục ĐH chứ không phải giáo dục phổ thông”.
GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh đổi mới giáo dục ĐH VN phải theo hướng tạo ra những vận động tích cực, cụ thể để từ đó cải cách mạnh mẽ hơn. Mô hình hướng đến phải là mô hình ĐH của các nước phát triển và nền tảng đổi mới quan trọng nhất là quyền tự chủ ĐH.
Tổng kết diễn đàn, ông Vương Đình Huệ, trưởng Ban Kinh tế trung ương, đánh giá đây là lần đầu tiên tổ chức được một diễn đàn tập hợp được đông đảo ý kiến của các nhà khoa học, trí thức Việt kiều như vậy.
Những ý kiến trình bày ở diễn đàn đã chỉ ra được những thách thức đối với phát triển kinh tế của VN hiện nay. Ông Huệ cũng cho rằng có những đề xuất cụ thể và khá mới, thiết thực. Ban Kinh tế trung ương sẽ tập hợp các kiến nghị, đề xuất để báo cáo với Ban Bí thư, Thủ tướng và thường trực Chính phủ, tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong quá trình hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.