22/06/2023 1:25 PM
Trong phiên thảo luận chiều 21.6, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế.

Ảnh minh hoạ

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, đối với trường hợp nhận thừa kế, người cùng huyết thống thì tặng, cho, chuyển nhượng là bình thường. Việc giao đất, cho thuê đất các sự nghiệp công lập nếu có nhu cầu sử dụng đất được giao để sản xuất kinh doanh thì được chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm sẽ được miễn tiền thuê đất, tuy nhiên không được bán tài sản thuộc sở hữu, không được thế chấp đất, thuê hoặc tài sản gắn liền với đất.

Còn đối với cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khác phải thành lập tổ chức kinh tế.

Về Điều 79 quy định thu hồi đất phục vụ các điểm kết nối giao thông và các dự án giao thông có tiềm năng phát triển, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có cân nhắc thận trọng khi ban hành Luật, xong tổ chức thực hiện, dân khiếu kiện thì rất khó giải quyết.

Thu hồi đất thực hiện nhà ở thương mại, sử dụng đất 100% đất nông nghiệp, chủ đầu tư có thể thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án. Cá nhân, hộ gia đình đất có đất tham gia với chủ đầu tư dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trường hợp không thỏa thuận được thì Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư thực hiện, việc thu hồi đất phải được bồi thường bộ trợ, tái định cư theo quy định của Luật, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, vấn đề quan trọng là nơi ở mới hoàn thành tốt hơn hay ở cũ như thế nào? (như không gian sống, hạ tầng, sinh kế, diện tích đất tái định cư, việc làm…).

Về phát triển quỹ đất, đại biểu đề nghị mô hình phát triển quỹ đất và tổ chức phát triển quỹ đất nên gộp chung thành một để tránh chồng chéo nhiệm vụ và đảm bảo tinh gọn bộ máy. Việc phải bỏ tiền sử dụng đất hàng năm cho Quỹ phát triển đất cũng cần cân nhắc vì không theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Về phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng ý nhưng đề nghị cần phải làm rõ chính sách phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư, quan trọng là nhà đầu tư và người dân nếu không đồng thuận thì sẽ khó thực hiện được dự án.

“Giá đất phải phù hợp trong từng thời điểm thu hồi đất, có lợi cho dân và cũng phải có lợi cho nhà đầu tư để thu hút dự án, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Cần quy định về việc thu hồi đất theo hình thức nhà nước trưng mua

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, để giải quyết những vướng mắc trong thu hồi đất, trước hết cần xác định thu hồi đất có phải là đất 1 trưng mua quyền sử dụng đất hay không.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ và không được quốc hữu hóa; trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua, trưng dụng và có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Như vậy, kết hợp với nội dung về tài sản và thu hồi đất, để làm rõ việc thu hồi đất theo quy định của hiến pháp theo hình thức nào cần được xác định rõ tài sản cá nhân tổ chức không bị quốc hữu hóa và chỉ trong trường hợp cần thiết nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chứ, cá nhân theo giá thị trường.

Từ những phân tích ở trên, đại biểu cho rằng cần làm rõ quy định của Hiến pháp theo hướng nhà nước chỉ có hai phương thức để lấy tài sản, quyền tài sản của công dân là qua trưng mua và trưng dụng.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Nghị quyết số 18 của Trung ương cũng khẳng định rõ quyền sử dụng đất và quyền tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Việc xác định như dự thảo luật cho thấy quyền tài sản của người dân chưa thực sự được đảm bảo theo quy định của Hiến pháp.

Để phù hợp với Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự trong khi chưa sửa luật Trưng mua trưng dụng tài sản, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần quy định về việc thu hồi đất theo hình thức nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất.

Với việc liệt kê các trường hợp bị thu hồi đất tại điều 79, đại biểu cho rằng, việc xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó và khó xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất, nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ hoặc phương pháp xác định cụ thể.

Chính vì thế khái niệm lợi ích công cộng như dự thảo luật chưa bao quát thực sự rõ ràng. Vì vậy đại biểu đề nghị kết hợp hai phương pháp xác định lợi ích công cộng, cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo, nếu sau khi thu hồi việc sử dụng đất không có yếu tố nhà nước, không phải vì mục đích công cộng...

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.