Mặc dù việc quản lý, sử dụng đất đai tại Ninh Thuận trong giai đoạn 2001 - 2010 được ghi nhận là đã đi vào nề nếp, song mới đây, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một loạt dự án được giao đất, cho thuê đất không sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch.
Nhiều dự án bị “thổi còi”

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Ninh Thuận gửi Thủ tướng Chính phủ, một số dự án đã bị đề nghị xem xét, điều chỉnh hoặc thu hồi đất. Đó là các dự án của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Nhân (không thực hiện đúng quy hoạch và sử dụng đất không đúng mục đích), Công ty cổ phần Thăng Long - Chi nhánh tại Ninh Thuận (chủ đầu tư Dự án sản xuất mật nho đã ngừng hoạt động, chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất), Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phú Thuận (Khu du lịch Resort Phú Thuận).


Kiểm tra một số dự án được giao đất, cho thuê đất, Thanh tra Chính phủ đã “thổi còi” 9 dự án do có vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có 4 dự án trong lĩnh vực bất động sản - du lịch nằm trong Khu quy hoạch bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ (Khu công viên biển Bình Sơn, Khu du lịch Đen Giòn, Khu du lịch Thái Bình Dương và Khu du lịch Hoàn Cầu) đang bị đặt nhiều câu hỏi về tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch…


Cũng phải nói thêm, khi đánh giá các dự án trong Khu quy hoạch bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ giai đoạn 2001-2010, Thanh tra Chính phủ nhận định, quản lý quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn thiếu chặt chẽ, buông lỏng, dẫn đến phá vỡ kiến trúc mặt tiền tuyến phố Yên Ninh dọc bãi biển; giao đất vượt thẩm quyền, có hiện tượng lách luật khi giao đất, cho thuê đất; không ký lại hợp đồng thuê đất khi có sự thay đổi về đơn giá theo quy định, chậm thực hiện dự án, không tuân thủ giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất, thậm chí không phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch (như các dự án Khu công viên biển Bình Sơn, Khu du lịch Đen Giòn, Khu du lịch Hoàn Cầu); giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng không dứt diểm, dẫn đến dự án được giao đất nhưng không thực hiện được (như Khu du lịch Hoàn Mỹ)…


Trong khi đó, liên quan đến công tác quy hoạch, kết luận của Thanh tra Chính phủ đưa ra nhận xét, việc quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Ninh Thuận giai đoạn này không hiệu quả, cụ thể là, 370 ha của Khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam), hơn 407 ha của Khu công nghiệp Du Long (huyện Thuận Bắc) chưa thu hút được doanh nghiệp nào đăng ký đầu tư; tỷ lệ đất trống trong các khu công nghiệp lớn… Ngược lại, nhiều dự án đã được giao đất, cho thuê lại đất không thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần dự án được duyệt, không thực hiện đúng ngành nghề đăng ký hay áp dụng không đúng quy định các chính sách ưu đãi đầu tư như Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn tại Khu công nghiệp Thành Hải (mở rộng), Dự án Sản xuất đá ốp lát của Công ty cổ phần Địa chất - Khoáng sản Việt Nam tại Khu công nghiệp Thành Hải.


Riêng với TP. Phan Rang - Tháp Chàm, việc quản lý, sử dụng đất đai cũng được đánh giá là chưa chặt chẽ, gây ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở... Đơn cử, Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc (K1) hiện có trên 500 hộ xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, khiến việc thu hồi đất phục vụ dự án rất khó...


Nợ tiền thuê đất do giá cao


Trong số các dự án đã bị nhắc tới, hai dự án là Khu du lịch Thái Bình Dương do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thái Bình làm chủ đầu tư trên diện tích 24.430 m2 đất tại bên đông đường Yên Ninh (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) và Khu du lịch Hoàn Cầu do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại phường Mỹ Bình, TP. Phan Rang - Tháp Chàm còn nợ tiền thuê đất từ năm 2008 đến nay, với số tiền tạm tính tương ứng là 2,6 tỷ đồng và trên 856 triệu đồng. Đây cũng là số nợ lớn nhất trong số các doanh nghiệp bị liệt vào danh sách nợ tiền thuê đất.


Ngoài 7 doanh nghiệp có khó khăn về tài chính với số tiền nợ khoảng 687 triệu đồng, 1 doanh nghiệp không còn hoạt động tại Ninh Thuận nợ 232 triệu đồng, 5 doanh nghiệp thuê đất khác mặc dù đã nộp tiền thuê đất trước thời gian kết luận thanh tra được công bố, song vẫn chưa chấp thuận việc tính lại đơn giá thuê đất theo Nghị định 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Nguyên do, theo Thanh tra Chính phủ, hầu hết các chủ đầu tư vin vào việc thay đổi đơn giá cho thuê đất dự án (tăng 12,7 lần), trong khi lượng khách đến Ninh Thuận còn ít, doanh thu chưa bảo đảm cho việc nộp tiền thuê đất theo giá mới.


Tuy vậy, trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cho phép các đơn vị được hưởng giá thuê đất như đã ký kết từ năm 2007 (tại Văn bản số 1329/TTg-NN ngày 17/9/2007). Đây là cơ sở để Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh rà soát lại đơn giá thuê đất đối với các dự án du lịch ở Khu quy hoạch bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ khi doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng thuê đất theo giá cũ trước khi thực hiện giá thuê đất theo tinh thần chỉ đạo của Văn bản 1329/TTg-NN.
Theo Linh An (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.