Ra đời với tham vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị của Đà Nẵng nhưng nhiều dự án 5 sao toạ lạc trên những khu đất “vàng” vẫn ì ạch triển khai thậm chí bỏ hoang nhiều năm.
Sau gần 10 năm kể từ thời điểm khởi công dự án vẫn chỉ là một bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm
Dự án Viễn Đông Meridian Tower 48 tầng, có tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD do Công ty CP Địa ốc Viễn Đông làm chủ đầu tư tại khu đất số 84 Hùng Vương là một ví dụ.
Với tầm nhìn trở thành tòa tháp đôi cao nhất miền Trung, dự án được UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 6/5/2008 và Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cấp giấy phép xây dựng vào ngày 23/5/2008. Thế nhưng, đến khi UBND TP Đà Nẵng gửi văn bản thúc giục thậm chí “dọa” thu hồi lại đất nếu không tổ chức khởi công xây dựng thì Viendong Land mới khởi công vào ngày 25/7/2009 và cam kết hoàn thành dự án, đưa vào khai thác vào tháng 12/2012.
Đất vàng bỏ hoang
Sau lễ khởi công hoành tráng, khu đất “vàng” này vẫn tiếp tục bị bỏ hoang cho cỏ mọc bất chấp UBND TP Đà Nẵng nhiều lần gửi văn bản giục chủ đầu tư đẩy nhân tiến độ thi công, thậm chí là dọa thu hồi nhưng tình trạng đâu lại vào đấy.
Theo thông tin mới nhất, Viendong Land đã cam kết với lãnh đạo TP Đà Nẵng là tiếp tục triển khai dự án Viễn Đông Meridian Towers vào đầu quý I/2014 và sẽ rút từ 48 tầng xuống còn 30 đến 33 tầng, tương ứng với tổng chiều cao 120m nhưng dự án vẫn liên tục “đắp chiếu”.
Viễn Đông Meridian Tower cao 48 tầng từng được định hướng trở thành tòa tháp đôi cao nhất miền Trung
Liên quan đến tổ hợp trong dự án này, đầu năm 2016, thành phố Đà Nẵng quyết định thu hồi giấy phép dự án Công viên công cộng và bãi đỗ xe ngầm Viễn Đông do Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông Việt Nam đăng ký đầu tư, để nâng cấp cải tạo, trả lại làm công viên công cộng sau quá nhiều năm ì ạch, dự án đã “đóng băng”, không thể hoàn thành dù địa phương đã tạo nhiều điều kiện xúc tiến.
Dự án này, từng là một công viên công cộng, có diện tích 5.900 m2, được xem là bãi đất vàng nằm giữa trung tâm Đà Nẵng, được địa phương chấp thuận triển khai đầu tư với số vốn đầu tư 274 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 22/11/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng đã có văn bản số 384/QĐ-SKHĐT chấp thuận đề nghị giãn tiến độ đầu tư dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian theo giấy chứng nhận đầu tư số 32121000038 chứng nhận lần đầu ngày 6/5/2008 do UBND TP Đà Nẵng cấp.
Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được chấp thuận giãn tiến độ trong vòng 24 tháng kể từ ngày 31/10/2016 đến 31/10/2018 theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Thành phố Đà Nẵng cũng nêu rõ trong văn bản này là trong quý II/2017, nhà đầu tư phải thi công xây dựng phần móng và phần ngầm công trình; quý IV/2017 thi công xây dựng phần thân công trình và đến ngày 31/10/2018 thì hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn án binh bất động, cỏ mọc um tùm, thậm chí, còn được người dân tận dụng để… nuôi gà.
Giải pháp nào cho dự án bỏ hoang?
Viễn Đông Meridian Towers từng là khu công viên hiếm hoi nằm ở trung tâm Thành phố, là Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thành phố, là tượng đài “Quảng Nam Đà Nẵng - Trung dũng kiên cường” nên việc dự án bỏ hoang đã gây không ít bức xúc cho người dân và điều này kéo dài từ năm này qua năm khác.
Theo nhận định của giới đầu tư, kinh doanh bất động sản, lý do dẫn đến tình trạng “hoang hoá” các khu đất vàng hiện nay là do những dự án trên đều được khởi động vào thời kỳ thị trường bất động sản Đà Nẵng nóng sốt, nên khi thị trường khó khăn, các chủ đầu tư không tìm thấy lối ra cho sản phẩm nên việc chậm triển khai là điều dễ hiểu.
“Nguyên tắc của đầu tư, kinh doanh bất động sản là “đất vàng” phải gắn liền với trung tâm thương mại, phải xây chung cư cao cấp nhưng hiện tại, tại Đà Nẵng, chung cư bình dân bán còn khó thì làm hàng cao cấp bán cho ai. Đó là lý do khiến hàng loạt các khu đất vàng tại Đà Nẵng bỏ hoang, chậm triển khai” - Giám đốc một doanh nghiệp nhận định.
Hiện tại dự án được người dân tận dụng để... nuôi gà
Cũng theo vị giám đốc trên, dường như với những dự án này, cả chủ đầu tư và chính quyền Đà Nằng đều “hụt chân”. Cụ thể, về phía chủ đầu tư khi bắt tay vào những dự án này thì người ta kỳ vọng một làn sóng di cư của những “đại gia” ở hai đầu đất nước cũng như Việt Kiều về “thành phố đáng sống” nhưng kỳ vọng này bị chặn lại bởi khủng hoảng kinh tế.
Về phía chính quyền, những ưu đãi với dự án như giải phóng mặt bằng, giá đất… được đưa ra với kỳ vọng khi dự án hình thành sẽ làm thay đổi bề mặt đô thị của TP nhưng dường như “thành phố đã giao đất nhầm người”. “Đầu ra không có trong khi nếu phải thực hiện dự án thì phải tốn một khoản tiền rất lớn nên không ai dám thực hiện” - vị giám đốc này cho biết.
Cần kịch bản mới
Theo luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, để hạn chế tình trạng trên TP Đà Nẵng nên có những kịch bản cho những mảnh đất “vàng” trước khi giao cho một chủ đầu tư nào đó.
Cụ thể, khi giao đất cho DN, thì bên cạnh các khoản tiền bắt buộc phải trả cho TP như tiền đất, tiền giải phóng mặt bằng… thì Đà Nẵng có thể yêu cầu DN đó doanh đặt cọc tại ngân hàng (có hưởng lãi) ít nhất 20% giá trị dự án, kèm theo đó là cam kết hoàn thành dự án cũng trong một thời gian nhất định nếu không sẽ bị mất tiền cọc và bị lấy lại đất mà không được bồi thường.
“Có như thế, mới có thể thúc đẩy DN hoàn thành dự án theo cam kết, nếu không sẽ mất cả chì lẫn chài” - luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.
Thu Giang (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.