Nhu cầu vay tín chấp tiêu dùng, cưới hỏi,… của người dân đang tăng cao. Nắm bắt được điều này, các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tín chấp với điều kiện rất thoáng. Trong khi đó, các nhà băng nội lại tỏ ra khá dè dặt.
Chị Lan, nhân viên một công ty du lịch tại quận 10, TP HCM cho biết, hàng ngày chị nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các công ty tài chính mời gọi vay tín chấp với số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Nhiều công ty tài chính còn in tờ rơi phát tận tay người đi đường với những điều kiện vay rất thoáng như không cần thế chấp, không cần bảo lãnh của công ty, chỉ cần thu nhập 3 triệu đồng trở lên... Đặc biệt, người vay được nhân viên tư vấn và đến tận nơi làm hồ sơ mà không mất phí.
Nhân viên của một công ty tài chính cho biết, nếu đáp ứng đầy đủ những thủ tục giấy tờ quy định, trong vòng 2 ngày khách hàng sẽ nhận được tiền vay.
Lãi suất của khoản vay có thể được tính trên dư nợ thực tế hoặc trên dư nợ ban đầu. Trên cơ sở hai cách tính này, lãi suất thực tế sẽ chênh lệch nhau khá nhiều. Trong đó lãi suất tính theo dư nợ ban đầu dù công bố thấp hơn nhưng tổng tiền phải trả lại nhiều hơn là theo dư nợ thực tế. Nếu khách hàng không tìm hiểu kỹ dễ dàng chọn cách tính lãi suất dựa trên dư nợ ban đầu vì tưởng rằng lãi suất thấp hơn.
Chẳng hạn, nếu áp dụng cách tính trên dư nợ ban đầu, khách hàng vay 50 triệu trong 18 tháng, lãi suất là 13% một năm. Tính ra mỗi tháng sẽ trả gốc là hơn 2,7 triệu đồng và lãi là 540 nghìn đồng. Tổng lãi phải trả trong 18 tháng là hơn 9,7 triệu đồng.
Còn nếu tính trên dư nợ thực tế giảm dần cũng với khoản vay 50 triệu, trong thời hạn 18 tháng, với lãi suất 18% một năm. Khách hàng sẽ trả nợ gốc và lãi cố định hàng tháng, trong đó số tiền trả lãi mỗi tháng sẽ được giảm dần theo số nợ thực tế. Do đó, tổng lãi phải trả của khách hàng trong 18 tháng không quá 8 triệu đồng.
Giám đốc hợp tác đối ngoại một công ty tài chính lớn tại TP HCM cho biết, vay tín chấp được xem là một sản phẩm khá thành công của tổ chức này tại Việt Nam. Số vốn mà công ty cho cá nhân vay tín chấp hiện chiếm khoảng 50% tổng dư nợ vay cá nhân.
Sự tham gia của các công ty tài chính vào lĩnh vực cho vay tín chấp đã tạo sức ép lên nhà băng "nội". Một số ngân hàng đã nâng hạn mức cho vay lên 200-300 triệu đồng và đơn giản hoá thủ tục. Tùy đối tượng vay mà nhà băng có yêu cầu thủ tục chi tiết khác nhau và chỉ trong vài ngày là hồ sơ được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, vay tín chấp được nhà băng chú trọng. Khách hàng có thể đăng ký vay qua mạng, qua điện thoại, thời gian vay từ 12-60 tháng, giải ngân trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng mạnh tay với dịch vụ này. Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), VietABank,... chỉ cho vay tín chấp khi cơ quan của người vay trả lương qua hệ thống ngân hàng hoặc là đối tác. Vietcombank chủ yếu chỉ cho cán bộ công nhân viên đang làm việc tại ngân hàng này vay tín chấp, còn những đối tượng khác gần như vẫn nằm "ngoài vùng phủ sóng".
Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, bên cạnh vấn đề pháp lý còn lỏng lẻo thì cho vay tín chấp có rủi ro lớn. Các ngân hàng vốn quen cho vay doanh nghiệp (bán buôn), nay muốn chuyển qua cho vay bán lẻ cần có thời gian. Số vốn mà Vietcombank cho cá nhân vay tín chấp hiện chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ vay cá nhân, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng, ông Tuấn nói.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, hiện ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện những công ty tư nhân chuyên cung cấp thông tin khách hàng. Một khi dịch vụ này phát triển thì Vietcombank có thể đẩy mạnh dịch vụ cho vay cá nhân, nhất là vay tín chấp.
Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank cũng cho biết, hoạt động vay tín chấp tại nhà băng này vẫn còn khá hạn chế bởi khó quản lý rủi ro. Dư nợ cho vay từ hoạt động này tại ABBank chiếm chưa tới 1% trong các khoản vay cá nhân. Nhà băng chỉ nhắm đến những đối tượng khách hàng có thu nhập ổn định, cho vay với lãi suất tín chấp khoảng 14 -15%. Thời gian tới, ông Thanh cho biết ABBank vẫn đi theo hướng thận trọng từng bước để đảm bảo cân bằng giữa chi phí và lợi ích của vay tín chấp mang lại.
Trong năm nay, tăng trưởng tín dụng phải đạt 25%, nhưng thực tế đến cuối tháng năm mới đạt 7,6%. Về mặt vỹ mô, các ngân hàng phải tìm cách đẩy mạnh dư nợ tín dụng. Nhưng đẩy mạnh cho vay sản xuất thì chưa có hướng ra, chỉ còn cách hướng đến cho vay cá nhân, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM nói.
Theo ông Dương, khách hàng đi vay vướng nhất là tài sản đảm bảo. Nắm rõ điều này, các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tín chấp để kéo khách hàng. “Ngân hàng nội không cho vay tín chấp sẽ đồng nghĩa với việc mất khách hàng”, ông Dương nhấn mạnh.
Cafeland.vn