29/05/2016 7:48 AM
Trận mưa lớn giữa tuần qua một lần nữa lại khiến nhiều tuyến đường Hà Nội biến thành sông. Giao thông hỗn loạn, người dân khốn đốn vì không thể đi làm, lịch sinh hoạt, làm việc bị đảo lộn, nhiều khu vực bị cô lập. Tình trạng này dự kiến sẽ còn lặp lại, ít nhất - theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội là phải đến hết năm nay, khi Dự án thoát nước giai đoạn II của Hà Nội hoàn thành.

Nhưng đó cũng mới chỉ là lời hứa, bởi dự án này sau nhiều lần chậm tiến độ thì đến nay, khi chỉ 1 tháng nữa là đến thời điểm phải hoàn thành thì hầu hết hạng mục thi công trong trung tâm Thủ đô vẫn dang dở. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo nguyên nhân vì sao dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng này, được nhiều ưu đãi về cơ chế mà vẫn chậm tiến độ.

Điệp khúc mưa - ngập ở Thủ đô đã lặp đi lặp lại hàng chục năm nay, không những không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng khiến người dân bức xúc. Vậy nguyên nhân do đâu mà suốt hàng chục năm qua, hạ tầng đô thị phát triển như vũ bão nhưng sau mỗi trận ngập lụt, lý giải chung vẫn luôn là “lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống tiêu, thoát nước”. Phải chăng chúng ta mải chạy theo việc xây những khu đô thị, khu nhà cao tầng, đường sá, trong khi hệ thống thoát nước thì bị bỏ quên, thậm chí là bị “bức tử”.

Theo lý giải của các chuyên gia, địa hình Hà Nội cao 3,5-9m so với mặt nước biển, cao hơn hoặc tương đương một số thành phố khác nên việc úng ngập chắc chắn không phải do địa hình. Vì vậy, nguyên nhân chính là do năng lực quản lý cũng như vấn đề quy hoạch đô thị. Trước đây, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm, nhưng hiện tại, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích đất ao hồ bị thu hẹp, trong khi hệ thống thoát nước không được cải thiện mà còn xuống cấp, dẫn tới Hà Nội cứ mưa lớn là ngập.

Đáng ngại là ngay cả các khu đô thị mới ở phía Tây, Tây Nam thành phố, lẽ ra phải đồng bộ hơn thì tình trạng ngập úng lại diễn ra trầm trọng hơn. Nguyên nhân do diện tích đồng ruộng, ao hồ lớn, vốn trước đây là hệ thống thoát lũ tự nhiên của khu vực này thì nay, với việc hình thành nhiều đô thị mới, đã bị bê tông hóa khiến nước không còn lối thoát. Cốt nền tại nhiều khu đô thị mới không đồng nhất, khu vực xây dựng sau thường cao hơn khu vực trước, thậm chí nhiều tuyến đường mới cốt nền thường cao hơn nhà dân, gây ngập cục bộ.

Trong khi đó, việc thoát nước khu phía Tây vẫn dựa trên hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, chưa đầu tư hệ thống thoát nước đô thị khiến khu vực này trở thành “rốn” lụt của thành phố. Như vậy, có thể thấy nguyên nhân chính là vấn về quy hoạch, là do thành phố đã từng cấp dự án tràn lan vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập. Hậu quả để lại rất khó khắc phục, song cần lấy đó làm bài học trong vấn đề quy hoạch đô thị hiện nay.

Đối với vấn đề thoát nước, Hà Nội đã hết sức quan tâm và đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu lập Quy hoạch phát triển hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Tuy nhiên, nếu chỉ quy hoạch hệ thống thoát nước mà không có một quy hoạch chung có tầm nhìn thì khó giải quyết triệt để bài toán ngập lụt. Bởi nếu cứ làm quy hoạch theo kiểu “rách đâu, vá đó” thì Hà Nội không chỉ kéo dài tình trạng ngập lụt mà còn đứng trước nhiều vấn đề nhãn tiền, chẳng hạn như thiếu cây xanh, thiếu không gian mặt nước, thiếu công trình công ích…

Linh Nhật (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.