20/07/2011 1:42 PM
Đói vốn, nguồn cung hàng hóa mất cân đối khiến thị trường địa ốc Hà Nội ảm đạm. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới nhà đất sẽ còn khó khăn vì 'dòng vốn cho bất động sản có điều chỉnh nhưng sẽ không thay đổi'.

Nhận định về tình hình địa ốc từ nay đến cuối năm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường địa ốc sẽ khó khởi sắc. Việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thắt chặt tín dụng, đặc biệt lĩnh vực phi sản xuất giảm 22% vào tháng 6 và tiếp tục giảm xuống còn 16% vào cuối tháng 12 càng làm nguồn tiền đổ vào địa ốc khan hiếm. Chủ đầu tư lẫn khách hàng mua nhà không có khả năng tiếp cận nguồn vốn nên thị trường sẽ ế ẩm. Bản thân bà Loan đã được chứng kiến có những dự án tung ra hàng nghìn căn hộ, biệt thự liền kề với giá quá cao nhưng không bán được, buộc phải hạ giá. Hàng loạt dự án cao cấp ế, còn chủ đầu tư ngắc ngoải.


Bức tranh tối cho địa ốc từ nay đến cuối năm

Số đông chủ đầu tư vẫn hào hứng với các dự án cao cấp. Ảnh: Hoàng Lan.


Thị trường trầm lắng làm ngay cả những ông lớn trong lĩnh vực xây dựng cũng bất an. Tập đoàn phát triển Nhà và đô thị (HUD), Tập đoàn sông Đà vốn được coi là những đứa "con cưng" của Bộ Xây dựng cũng ngán ngẩm. Ông Nguyễn Đăng Nam, Tổng giám đốc HUD chia sẻ, chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Thực hiện Nghị quyết 11, Tập đoàn đã điều chỉnh giá trị đầu tư năm 2011 giảm 1.800 tỷ đồng, giá trị sản xuất kinh doanh cũng giảm 460 tỷ, chỉ duy nhất kế hoạch xây diện tích sàn nhà ở gần 1,5 triệu m2 được giữ nguyên. Song, trước bối cảnh thị trường đang đóng băng thì việc triển khai đúng kế hoạch không đơn giản.


Ông Nam cho hay, thực tế các doanh nghiệp đang chịu tác động kép bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa chấm dứt thì trong nước lại phải đối mặt với lạm phát tăng cao. “Chỉ sau một thời gian ngân hàng siết chặt tín dụng, áp dụng lãi suất ở mức cao thì ngay lập tức các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo đó là tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản cả nước”, ông Nam nói.


Ông Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn sông Đà bộc bạch, hàng loạt dự án trọng điểm của tập đoàn đang bị trì trề, dang dở. Thậm chí, một số công trình trọng điểm của Nhà nước, tổng giá trị thi công của các đơn vị, nhà thầu trong tập đoàn đã lên tới 1.300 tỷ, nhưng vốn thanh toán của chủ đầu tư thì đến nay mới được 264 tỷ đồng. Thậm chí, trong suốt 2 tháng trời ròng rã, các đơn vị thi công không được nhận được một đồng thanh toán, tập đoàn đã phải huy động vốn mọi nơi để trả lương cho công nhân. "Đói vốn, thị trường đóng băng, các chủ đầu tư không muốn nghiệm thu thanh toán dẫn đến công tác nghiệm thu luôn bị khất lần", ông Toàn chia sẻ.


Lối thoát cho doanh nghiệp lúc này là triển khai dự án nhà xã hội, phân khúc vốn được Nhà nước ưu tiên phát triển. Song thực tế, trong số, 64 dự án nhà thu nhập thấp, chỉ có 5 dự án được vay vốn, một con số quá nhỏ để làm thay đổi cục diện thị trường.


Ngoài việc siết tín dụng, các chuyên gia cho rằng, tình hình bất động sản sẽ còn ảm đạm do thị trường mất cân đối nguồn cung. Trong khi thu nhập người dân chưa cao, nhu cầu nhà ở giá trung bình còn lớn, nhà đầu tư lại không mặn mà với các dự án trung bình, số đông chủ đầu tư vẫn hào hứng với các dự án cao cấp. Cơ cấu hàng hóa mất cân đối nên tính thanh khoản thị trường càng yếu.


Tại phiên họp chính phủ thường kỳ đầu tháng 7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đã đưa bất động sản ra khỏi khu vực phi sản xuất, nhưng bất động sản vẫn bị kiểm soát dư nợ và dòng tiền.


Lời tuyên bố của ông Nam làm nhiều chuyên gia càng bi quan về tình hình thị trường địa ốc từ nay đến cuối năm. Tiến sỹ Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, nếu tiền tệ vẫn thắt chặt, lạm phát vẫn cao, bất động sản sẽ đóng băng hoàn toàn, doanh nghiệp địa ốc sẽ khó khăn toàn diện. "Thậm chí tình trạng phá sản có thể xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp", ông Chung lo lắng.


Ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, địa ốc Hà Nội sẽ còn tiếp tục ảm đạm vì nhiều nhà đầu tư còn yếu kém nhưng lại đầu tư dàn trải, không tập trung. Với tư cách là lãnh đạo Hiệp hội, ông Nga tâm sự, bản thân ông rất muốn các nhà đầu tư co cụm lại để triển khai các dự án lớn song mặc dù đã nỗ lực 3 năm, nhiệm vụ này vẫn bất khả thi.


Mới đây, tại một cuộc đại hội trong lĩnh vực bất động sản, người đứng đầu Bộ Xây dựng, khi đăng đàn cũng thẳng thắn thừa nhận, địa ốc từ nay đến cuối năm sẽ còn rất khó khăn. Bởi tín dụng, mặc dù ít nhiều có điều chỉnh nhưng nhìn chung sẽ không thay đổi. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thẳng thắn: "Nhiều người lo ngại đến chuyện vỡ bong bóng bất động sản, vài tháng nữa sẽ có doanh nghiệp chết. Tôi không biết liệu có đơn vị nào chết không, nhưng tôi biết sắp tới thị trường sẽ khó khăn lắm".


Các chuyên gia cho rằng, bức tranh địa ốc từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều màu tối. Điểm sáng hiếm hoi trong toàn cảnh thị trường có lẽ là hồ sơ quy hoạch chung của thủ đô sắp được hoàn thiện. Bởi trước đó, sau khi sáp nhập Hà Tây, hơn 700 dự án của Hà Nội bị dừng triển khai để chờ quy hoạch chung thủ đô và qua 3 lần rà soát, mới chỉ có hơn 200 dự án được triển khai. Đầu tháng 7, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các chuyên gia cho rằng, việc Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội hoàn thiện toàn bộ hồ sơ bản vẽ đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô trước ngày 1/8 có thể là điểm sáng duy nhất của tình hình địa ốc từ nay đến cuối năm.

Theo Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.