Căn nhà số 9 đường Tự Cường ông Hiệp mua hợp pháp nhưng bị ngăn chặn, cấm chuyển dịch mua bán - Ảnh: Chi Mai
Tháng 6-2007, ông Dương Hoàng Hiệp (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) mua căn nhà số 9 đường Tự Cường, phường 4, quận Tân Bình (TP.HCM) của bà Nguyễn Thị Thanh Nga. Thủ tục mua bán thực hiện đúng theo quy định tại Phòng công chứng số 4. Sau đó ông Hiệp đã đi đăng bộ, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà với tên mình.
Hai năm sau, ông Hiệp bán căn nhà và đã nhận cọc 500 triệu đồng. Thế nhưng khi đến phòng công chứng để làm thủ tục mua bán thì bị từ chối, vì căn nhà đã bị “tạm ngưng chuyển dịch quyền sở hữu” theo văn bản số 1877 ngày 25-3-2008 của Công ty Quản lý kinh doanh (QLKD) nhà TP.
Cái lý của Công ty QLKD nhà
Theo văn bản trên, căn nhà số 9 Tự Cường vốn thuộc sở hữu của bà Vũ Thị Cải, sau khi bà Cải đi xuất cảnh nước ngoài đã có văn bản giao căn nhà cho Nhà nước quản lý (quyết định của Sở Nhà đất TP năm 1994). Do còn nhiều thân nhân của bà Cải sống trong căn nhà nên UBND TP đã quyết định cho bà Nguyễn Thị Thanh Nga (con gái của bà Cải) thuê lại căn nhà trên, nếu bà Nga có yêu cầu mua nhà thì bán theo cơ chế giá thị trường. Căn cứ chủ trương của UBND TP, Công ty QLKD nhà TP đã làm hợp đồng cho bà Nga thuê nhà (thực tế bà Nga chưa hề nộp tiền thuê nhà, còn nợ công ty số tiền 8,7 triệu đồng). Năm 2002, UBND TP có công văn phê duyệt đồng ý bán nhà số 9 Tự Cường cho bà Nga theo giá thị trường và bà Nga cũng chưa đóng tiền mua nhà.
Đến năm 2008, Công ty QLKD nhà TP kiểm tra mới biết căn nhà đã được sang tên cho ông Dương Hoàng Hiệp. Trước đó bà Nga đã được UBND quận Tân Bình giải quyết cho mua nhà theo diện nhà thuộc sở hữu nhà nước (theo nghị định 61/CP) vào tháng 6-2007.
Việc giải quyết bán nhà của UBND quận Tân Bình cho bà Nga là trái quy định, do đó công ty đã có văn bản trình UBND TP đề nghị UBND quận Tân Bình phải thu hồi và hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà Nga, sau đó mới làm thủ tục bán nhà cho bà Nga theo giá thị trường tại thời điểm định giá như quyết định của UBND TP.HCM. Đồng thời, công ty đã gửi văn bản ngăn chặn mua bán đối với căn nhà số 9 Tự Cường, chờ kết quả xử lý cuối cùng của Sở Xây dựng và UBND TP.
Kiện ai?
Bức xúc vì bỗng nhiên bị ngăn chặn bán nhà, ông Hiệp đã gửi đơn khiếu nại nhiều nơi như UBND TP.HCM, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, cơ quan công chứng, Công ty QLKD nhà TP... nhưng đã gần hai năm qua vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Hiệp: “Nếu cho rằng bà Nga chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc thủ tục mua nhà nhà nước có thiếu sót thì đáng lẽ Công ty QLKD nhà TP và các cơ quan có thẩm quyền phải phát hiện và ngăn chặn ngay từ khi bà Nga bán nhà cho tôi. Đằng này lúc tôi mua nhà thì chẳng có cơ quan nào ngăn chặn, đến khi tôi được sở hữu hợp pháp, muốn bán nhà mình thì lại bị cấm một cách rất vô lý”.
Một trưởng phòng công chứng nói: “Nếu ông Hiệp cho rằng việc ngăn chặn của Công ty QLKD nhà TP đã gây thiệt hại cho mình thì có thể khởi kiện công ty ra tòa án để đòi bồi thường”.
Tuy nhiên, theo luật sư Võ Xuân Trung - Đoàn luật sư TP.HCM, chính cơ quan công chứng mới là đối tượng bị ông Hiệp kiện. Bởi vì Công ty QLKD nhà TP không phải là cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn mua bán nhà. Theo quyết định số 358 ngày 28-8-2007 của Sở Tư pháp TP.HCM thì chỉ những cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan điều tra, UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền cấp “giấy hồng”, “giấy đỏ” mới được yêu cầu ngăn chặn công chứng hợp đồng, giao dịch về tài sản. Đáng lẽ phòng công chứng phải hướng dẫn Công ty QLKD nhà TP khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền. Nếu các cơ quan trên ra văn bản ngăn chặn thì phòng công chứng mới có quyền ngưng xác nhận mua bán nhà.
Cũng theo luật sư Trung, nếu Công ty QLKD nhà TP thấy việc cấp giấy chứng nhận của UBND quận Tân Bình là sai, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước thì công ty có quyền khiếu nại đến cơ quan chức năng để giải quyết hoặc kiện bà Nga ra tòa án để yêu cầu trả tiền thuê nhà còn nợ