14/09/2022 7:50 AM
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng nếu đầu tư công "bơm máu" chậm sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Ông Thiên cho rằng, nếu đầu tư công "bơm máu" chậm sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

Phải căn cứ vào nợ xấu

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì chiều qua (12.9), ông Thiên cho rằng, tổng thể nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đang tăng trưởng tốt.

Song, Báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại.

“Chúng ta giữ được mạch của nền kinh tế thế giới. Tôi cho rằng điểm này phải nhấn mạnh vì nếu không giữ được mạch của nền kinh tế thế giới thì xuất nhập khẩu, cũng như FDI – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không giữ được”, ông Thiên nói.

Chuyên gia này cho rằng, nên hiểu là khi nhấn mạnh khu vực ngoài, có nghĩa là khu vực công, chúng ta phải có một sự chú ý đặc biệt, nếu không sẽ thiên lệch.

“Chúng tôi thấy rằng, tổng thể tốt - rõ ràng là bài học rất quan trọng trong việc chống lạm phát, xác định rõ nguyên nhân chính là chi phí đẩy thì tập trung sử dụng công cụ tài khóa.

Và còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính”, ông Thiên nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nhìn nhận được. Do vậy, ông cho rằng, Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế.

Đối với 3 yếu tố: đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn, cần làm như thế nào để không mất cân đối. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, đây là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Căng thẳng về room tín dụng như truyền thông đưa gần đây, không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa.

Chúng ta phải nhìn thấy được cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều vấn đề như khủng hoảng về năng lượng, lương thực… Đây cũng có thể là cơ hội đáng để chúng ta phải nhận diện được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, khu vực này. Khi thế giới đang gặp khó khăn, chúng ta không nên chỉ nhìn khía cạnh gay go mà ở cả khía cạnh tích cực, để có chính sách hỗ trợ các khu vực có thể giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn.

Điểm cuối cùng, vị này cho rằng chúng ta không chỉ nên lo tăng trưởng mà cần chú ý đến yếu tố nợ xấu. Bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu, có thể không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu, mà nếu chúng ta bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay.

“Tôi xin nhấn mạnh cơ hội chúng ta đang có những điểm tích cực, chúng ta không nên bi quan mà nên nắm được cơ hội này. Có lẽ đây là thời điểm hiếm khi có tình thế như thế này”, ông Thiên nhấn mạnh.

Không hy sinh cái này để chọn cái kia

Theo TS. Võ Trí Thành, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội, và lựa chọn của chúng ta là lựa chọn cả 3 chứ không phải hy sinh cái này để chọn cái kia.

Ta phải nhìn nhận lại cả 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cuối năm nay và năm 2023 động lực cho xuất khẩu sẽ phải suy gỉam đáng kể. Do đó việc đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng. Ví dụ như Hiệp định EVFTA thì thị trường chính của chúng ta vẫn là các thị trường cũ, do đó ngay trong EVFTA thì ta có thể mở rộng thêm thị trường và tham gia sâu hơn.

Về đầu tư, ông Thành hi vọng trong năm nay và năm sau, đầu tư công là khâu quyết định chiếm 1/3 tổng đầu tư xã hội cả năm, hiện đang giải ngân rất chậm thì đầu tư công sẽ là cú huých cho cả năm sau.

Về kinh tế vĩ mô, chuyên gia này rằng nên thận trọng với cung tiền. “Tôi nghĩ rằng với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14% thì đây là con số không thấp. Vấn đề nợ xấu không trừ hẳn đi, vấn đề tăng vốn cho ngân hàng thương mại, tỉ lệ tín dụng trên GDP chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỉ giá, ta không muốn làm cho tỉ giá mất giá nhiều. Chưa kể những áp lực về lãi suất, lãi suất không thể tăng quá mức”, ông Thành phân tích.

Do đó, theo vị này cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.

Cuối cùng là linh hoạt trong mức tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…

Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng quan trọng là con số tổng thể cả năm.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bức tranh Kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 qua những con số

    Bức tranh Kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 qua những con số

    Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực với xuất siêu 19,07 tỷ USD; vốn FDI đạt 14,1 tỷ USD; các lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư cùng hoạt động dịch vụ... đều tăng trưởng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê....

  • Việt Nam xuất siêu 19,07 tỷ USD trong 8 tháng

    Việt Nam xuất siêu 19,07 tỷ USD trong 8 tháng

    Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ trong 8 tháng 2024 đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD....

  • Việt Nam đón hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế trong 8 tháng

    Việt Nam đón hơn 11,4 triệu lượt khách quốc tế trong 8 tháng

    Theo Tổng cục Thống kê, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao. ...

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.