Ông Vũ Văn Hậu: "Chúng tôi đang đẩy mạnh kiểm tra, xử lý để làm sao quan trọng nhất lúc này là tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư để việc triển khai dự án của họ đạt hiệu quả cao hơn".
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu đã nêu quan điểm như vậy trước thông tin có nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, việc dự án của họ bỏ hoang là vì sau khi “lo” được lô đất với vô số khoản chi phí bôi trơn, chi phí ngầm quá lớn, khiến họ không còn vốn đề tiếp tục triển khai dự án.
Trao đổi với VnEconomy, ông Hậu nói:
- Vấn đề lãng phí đất đai, dự án bỏ hoang vừa qua thành phố cũng đã có đề cập, trong đó có thừa nhận những tồn tại một số yếu kém. Chẳng hạn như quy hoạch sử dụng đất thì tính khả thi chưa cao, triển khai một số nội dung còn chậm. Đặc biệt là vấn đề dự án bỏ hoang có liên quan đến việc chọn đầu tư để thực hiện dự án chưa được tốt, để xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư chưa đủ năng lực vẫn được giao dự án.
Cùng với đó là khâu hậu kiểm cũng chưa được quyết liệt. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm về vấn đề này và đã trình Hội đồng Nhân dân thành phố và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Thủ tướng về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và 2020, trong đó đảm bảo tính khả thi cao nhất.
Đồng thời, chúng tôi cũng tham mưu cho thành phố một số chính sách để sửa đổi, ví dụ như phải chọn chủ đầu tư có năng lực về tổ chức thực hiện, đặc biệt là năng lực về tài chính. Thực hiện hậu kiểm xem dự án có đúng tiến độ mục đích hay không.
Đặc biệt, chúng tôi đang đẩy mạnh kiểm tra, xử lý để làm sao quan trọng nhất lúc này là tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư để việc triển khai dự án của họ đạt hiệu quả cao hơn. Sau khi kiểm tra, đã có thảo gỡ, đã xử lý về hành chính mà không khắc phục thì chúng tôi dứt khoát trình thành phố thu hồi.
Nhưng theo ông, làm thế nào để có thể kiểm soát được năng lực tài chính của chủ đầu tư bất động sản hiện nay?
Hiện giải pháp duy nhất là thông qua triển khai thực hiện thôi. Còn kiểm toán hoặc kiểm soát về tài chính của từng đơn vị hiện nay thì chưa thể làm tốt được.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc kiểm toán độc lập các chủ đầu tư, các dự án là việc cần phải đẩy mạnh. Nếu làm điển hình một số trường hợp thì các trường hợp khác có thể khắc phục được, còn nếu đồng loạt cả nước thì e rằng khó khả thi.
Ông vừa nói, việc dự án bỏ hoang, lãng phí đất đai có nguyên nhân do lựa chọn chủ đầu tư thiếu năng lực, nhưng thực tế khá nhiều dự án bỏ hoang hiện nay lại là của các tổng công ty lớn như HUD, Vinaconex…
Tất nhiên là do nhiều nguyên nhân, trong đó những dự án có nguyên nhân đó. Còn ngoài ra nó còn liên quan đến luật pháp, những quy định của pháp luật chưa được chặt chẽ nên khi chọn chủ đầu tư, chúng ta giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, nhưng năng lực tài chính thì các quy định hiện nay chưa hoàn toàn chặt chẽ nên kiểm soát năng lực tài chính còn hạn chế.
Chẳng hạn, họ làm bao nhiêu dự án trên địa bàn cả nước trong một khối tài sản nhất định thì chúng ta chưa kiểm soát được. Như vậy để thấy rằng, về mặt pháp luật có vẻ cảm giác là đúng, nhưng trong thực tế tính khả thi chưa cao, cái này chúng ta chưa kiểm soát được.
Luật có quy định, ví dụ trước đây chúng tôi có gửi văn bản thành phố, tỉnh thành nhưng việc trả lời bằng văn bản trách nhiệm chưa cao. Việc triển khai chưa được quyết liệt lắm.
Nhưng năm nào thành phố cũng có đoàn kiểm tra, giám sát, vậy tại sao tình trạng dự án bỏ hoang vẫn diễn ra nhiều, còn khắc phục thì lại rất chậm. Liệu có phải do công tác giao đất dự án quá dễ dãi?
Theo tôi cũng không hẳn là vậy. Việc khuyến khích đầu tư tôi cho rằng rất cần thiết. Hơn nữa, nếu theo luật, một khi quy hoạch và dự án đã được duyệt thì không lý gì ngành Tài nguyên lại không giao đất cho người ta. Còn trong quá trình điều tra về năng lực sẽ phải khắc phục dần.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, việc dự án của họ bỏ hoang là vì sau khi “lo” được lô đất với vô số khoản chi phí bôi trơn, chi phí ngầm quá lớn, khiến họ không còn vốn đề tiếp tục triển khai dự án?
Nếu điều đó có thực thì chính doanh nghiệp cũng có sai sót. Bởi lẽ, doanh nghiệp hơn ai hết phải nắm đươc khả năng tài chính của mình, song đã biết mà vẫn cố lao vào thì tức là lỗi của doanh nghiệp, họ phải trách mình trước tiên, chứ không phải đi trách nhà nước!
Còn nói rằng, chi phí để có một lô đất hiện nay quá lớn, tôi cho rằng, ngoài những chi phí không chính thức thì tôi không biết rõ được, còn chi phí chính thức như giá đất, giải phóng mặt bằng thì đã có giá cụ thể rồi. Còn chi phí gọi là quá lớn thì không có khái niệm. Có thể doanh nghiệp đó quá yếu, còn các doanh nghiệp khác vẫn triển khai bình thường.
Ông có thể hứa gì về việc khắc phục tình trạng dự án bỏ hoang của Hà Nội hiện nay?
Điều đó dứt khoát phải khắc phục dần, còn làm ngay một lúc thì rất khó, muốn tháo gỡ vướng mắc này phải làm từng bước.
Qua báo cáo của UBND trước Hội đồng Nhân dân thành phố, chúng ta thấy phần tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư là khá tốt. Hiện chúng ta phải thấy được khó khăn của doanh nghiệp là đang có thật. Nếu cứ thấy khó khăn mà thu hồi cũng không đúng. Ngay cả việc thu hồi có đền bù hay không cũng phải tính toán thế nào cho hợp lý cũng là cả một vấn đề.
Tôi cho rằng, tất cả các chính sách liên quan đến đất đai phải chi tiết. Do đó, chúng tôi đang làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về những loại đất bị thu hồi trong đó có vi phạm không triển khai dự án theo tiến độ như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên, trong đó có cả doanh nghiệp.
-
Sai phạm tại Dự án Linh Đàm: DN phản pháo kết luận thanh tra
Các đơn vị thứ cấp tại Dự án Linh Đàm bị Thanh tra Hà Nội kết luận mắc nhiều sai phạm đều cho rằng, thanh tra đã không cập nhật thực tế. <br/br>
-
Dự án 'treo' - Bài cuối: Bắc Ninh kiên quyết thu hồi các dự án treo
Đặt câu hỏi, hiện nay những hộ dân vẫn chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư để phát triển công nghiệp tập trung, vậy tâm tư của họ cần gì? Đa số người dân xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho rằng, họ không chống đối chủ trương của chính quyền các cấp khi lấy đất làm công nghiệp, nhưng họ mong muốn doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
-
Hiến kế giải quyết bế tắc việc xóa chung cư cũ
CafeLand - Chủ trương giải tỏa chung cư cũ để xây dựng mới góp phần chỉnh trang đô thị nhận được sự đồng tình rất lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, cơ chế triển khai hiện nay vẫn tồn tại nhiều điểm gây bức xúc cho người dân. Do đó, việc giải tỏa các khu chung cư cũ thường kéo dài và đi kèm với khiếu nại. Trước thực trạng đó bài viết xin đề xuất một số giải pháp để giải quyết thực trạng này. <br/br>