Nổi bật trong Thông tư 06 là những quy định về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Theo đó, chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì (2%) nhà chung cư có thể do một hoặc nhiều thành viên ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản.
Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp có tối thiểu là ba thành viên ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản. Số lượng thành viên tối đa do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Các thành viên tham gia đồng chủ tài khoản này phải có ít nhất một đại diện chủ sở hữu khu căn hộ, một đại diện chủ sở hữu diện tích khác (nếu có), một đại diện chủ đầu tư (nếu có) và một số thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định (nếu có).
Kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của ban quản trị nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư thông qua.
Đối với quyết định chi tiêu quỹ bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, trường hợp ban quản trị tòa nhà chung cư quyết định việc bảo trì phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 75% tổng số thành viên bản quan trị đồng ý.
Ban quản trị nhà chung cư phải thông báo công khai tại hội nghị nhà chung cư thông tin về tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì đã lập, không được thay đổi tài khoản này và định kỳ sáu tháng thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi tiêu tiền gửi kinh phí bảo trì (nếu có).
Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải theo đúng quy định của Luật Nhà ở. Quy chế này và phải có sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định để theo dõi, quản lý.
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, Thông tư 06 cũng quy định, hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua).
Trường hợp không đủ số người tham dự, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp phường, xã nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Trường hợp quá thời hạn quy định đó mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Quyền biểu quyết tại hội nghị chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích riêng khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với 1 phiếu biểu quyết.
Sau khi hội nghị nhà chung cư đã bầu ra ban quản trị và ban quản trị này có quyết định công nhận của UBND cấp xã hoặc huyện thì ban quản trị có trách nhiệm lập tài khoản hoạt động để quản lý kinh phí bảo trì theo quy định.
Thông tư 06 cũng quy định về việc bàn giao hồ sơ công trình nhà chung cư. Theo đó, tại Điều 5 của Thông tư 06 quy định: Chủ đầu tư trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý nhà chung cư có văn bản yêu cầu giao hồ sơ công trình nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hai bộ hồ sơ y từ bản chính.
Trường hợp quá thời hạn quy định nêu trên mà chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ cho công trình nhà chung cư thì Ban quản trị nhà chung cư có văn bản đề nghị UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh nới đó có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ.
Thông tư này cũng quy định, trường hợp chủ đầu tư bàn giao hồ sơ công trình nhà chung cư đúng quy định mà Ban quản trị không nhận thì trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày bàn giao, chủ đầu tư báo cáo và đề nghị UBND cấp huyện phải tiếp nhận hồ sơ. Ban quản trị nhận trách nhiệm về các vấn đề liên quan xảy ra khi không nhận bàn giao hồ sơ công trình nhà chung cư theo quy định.
-
Hà Nội: Hơn 50% chung cư thương mại chưa được bàn giao quỹ bảo trì
CafeLand - Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội có 254/492 chung cư thương mại, 33/82 chung cư tái định cư chưa bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị.