Đó là nhận định của lãnh đạo Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản tại cuộc họp thường kỳ Qúy 1 năm 2018 của Bộ Xây dựng vào chiều 23/5.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản tuy không có biến động nhiều, nhưng tại các khu vực ven đô thị lớn, đặc biệt tại một số đặc khu kinh tế việc buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn ra phức tạp.
Về vấn đề này Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo. Thủ tướng chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo và giao cho 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang có giải pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra tại những khu vực này, không để những đối tượng xấu lợi dụng tình hình làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn của thị trường bất động sản, ông Ninh cho hay.
Nhận định về thị trường bất động sản liệu có xảy ra "bong bóng" trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng rất khó kết luận ở thời điểm này ở vì phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía canh khác nhau từ số lượng giao dịch, biến động giá cả từng phân khúc, mức đầu tư... Hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ xây dựng nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo trong Quý 2 năm 2018 nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, không để tình trạng bong bóng xảy ra.
Nhà ở xã hội gặp khó
Trong khi đó, đề cập tới vấn đề nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 được ban hành, cơ chế chính sách để phát triển nhà ở tương đối đồng bộ. Như nhà ở xã hội đối với người có công với cách mạng, hiện nay đã được giải quyết được toàn bộ số vốn hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 300 nghìn hộ và phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn thành theo đúng Nghị quyết 63 của Chính phủ.
Tuy nhiên, một số chương trình như chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội tại khu vực đô thị hay công nhân ở khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi Nhà nước chuyển sang Nghị quyết 33 chỉ còn cho vay, chứ không được hỗ trợ nên số lượng hộ nghèo được hưởng chính sách này đã giảm đi rất nhiều.
Đặc biệt, sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, chưa có khoản ngân sách hỗ trợ nào cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cũng như ngân hàng xã hội để triển khai cho vay. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cấp 1.200 tỷ so với nhu cầu là 9.000 tỷ đồng, chỉ mới đạt 13 %. Chỉ mới cho người mua nhà vay, chưa cho chủ dự án vay. Vì vậy, số lượng người bị tác động đến không nhỏ.
Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ Xây dụng cho biết, trong năm 2018, được giao quản lý 291 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mức độ giải ngân đang ở mức thấp.