Bộ Xây dựng cho rằng, để nâng cao chất lượng dự án, cần có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tăng cường sự tham gia của các tư vấn quốc tế vào quá trình xây dựng và chuẩn bị dự án.
Việc thông báo, cung cấp thông tin mời thầu còn chậm và chưa tuân thủ theo quy định (Ảnh minh hoạ)
Ngày 24/7, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT.
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Bộ GTVT cho biết, hiện cả nước có khoảng 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ. Khoảng cách giữa các trạm thu phí đảm bảo tối thiểu 70 km, trường hợp không đảm bảo tối thiểu 70 km, trước khi xây dựng, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định.
Việc một số người dân chưa đồng tình về vấn đề thu phí là do việc đặt trạm chưa hợp lý, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, tham vấn cộng đồng khi thực hiện dự án. Đồng thời, tính minh bạch trong quản lý thu phí tại một số trạm BOT chưa được thực hiện tốt cũng là một yếu tố tạo ra những đánh giá tiêu cực từ xã hội đối với BOT.
Bộ GTVT cũng cho rằng, trên thế giới hiện chỉ có 2 hình thức là thu phí lượt và thu phí theo chiều dài sử dụng. Đối với hình thức thu phí kín, người dân trả phí trên số km thực tế đi và đảm bảo công bằng nhưng chỉ áp dụng đối với đường cao tốc và kiểm soát được sự ra vào của phương tiện. Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối.
Bộ GTVT đề nghị giao một cơ quan độc lập chủ trì, đánh giá tác động mức giá, triển khai thu phí tự động không dừng và xây dựng lộ trình tiến tới áp dụng toàn bộ thu phí tự động.
Đoàn giám sát cho rằng, khi đưa vào vận hành các công trình BOT có nhiều phản ứng trái chiều của người dân về vấn đề thu phí và quản lý doanh thu của một số trạm BOT, vị trí đặt các trạm thu phí ở một số nơi chưa được bố trí một cách hợp lý. Do đó, các bộ ngành có liên quan cần có trách nhiệm để khắc phục tình trạng này.
Theo Đoàn giám sát, các dự án BOT chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu. Các nhà đầu tư trong nước chưa có kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu tại một số dự án vẫn chưa đạt chất lượng cao.
Dù Luật Đấu thầu quy định rõ, tuy nhiên qua giám sát cho thấy, việc thông báo, cung cấp thông tin mời thầu còn chậm và chưa tuân thủ theo quy định. Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu thi công xây lắp tại một số dự án còn chưa phù hợp, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu thi công tham gia dự án năng lực còn chưa mạnh...
Về việc này, Bộ Xây dựng cho rằng, để nâng cao chất lượng dự án, cần có cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tăng cường sự tham gia của các tư vấn quốc tế vào quá trình xây dựng và chuẩn bị dự án, một mặt giúp bảo đảm những số liệu đầu vào của dự án tin cậy hơn, mặt khác giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tính toán được phương án tài chính phù hợp mà không mất nhiều chi phí.
Luân Dũng (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.