Theo Cơ quan soạn thảo, trong giai đoạn vừa qua, một số bộ, ngành liên quan và các địa phương đã xây dựng, từng bước triển khai quy hoạch, chiến lược về sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu địa phương, sản phẩm vật liệu xây dựng có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Các cơ quan quản lý đã ban hành các chính sách và định mức, tiêu chuẩn cho việc sử dụng gạch không nung.
Việc loại bỏ lò gạch, lò vôi thủ công đạt hiệu quả cao. Tính đến đầu năm 2019, cả nước đã loại bỏ được gần 450 lò vôi thủ công với sản lượng 900.000 tấn/năm (đạt 90%). Dự kiến các cơ sở sản xuất vôi thủ công sẽ dừng sản xuất và xóa bỏ hoàn toàn trong năm 2020.
Tính đến ngày 31/12/2018 phần lớn các cở sở sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng thủ công cơ bản đã được xóa bỏ. Một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, TP.HCM, Bình Dương và Hậu Giang.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập xung quanh vấn đề về quản lý và khai thác vật liệu xây dựng.
Cụ thể, việc khai thác vật liệu xây dựng (đất, đá) tràn lan, tình trạng khai thác cát vẫn diễn biến phức tạp, làm thất thoát và lãng phí các nguồn tài nguyên, khoáng sản của các địa phương.
Ảnh minh hoạ.
Việc sản xuất, sử dụng và tiêu thụ gạch không nung gặp nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện, bảo vệ môi trường, vật liệu tại chỗ, vật liệu và sản phẩm xây dựng được sản xuất chế tạo trong nước, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số chính sách còn chung chung, chưa phù hợp cho việc thực hiện ở nhiều địa phương, vùng miền.
Vệc tiếp xúc với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá bán cao so với vật liệu xây dựng truyền thống, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định sử dụng vật liệu xây không nung của nhiều địa phương còn hạn chế.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Xây dựng, là do trong Luật Xây dựng năm 2014 chưa quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu sử dụng các chất thải của các ngành công nghiệp (như tro, xỉ, thạch cao), rác thải làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24a/2016 về quản lý vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng năm 2014 chưa có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về vật liệu xây dựng.
Do vậy, Bộ Xây dựng cho rằng nội dung này cần được cụ thể hóa trong luật làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành nghị định của Chính phủ.
Bộ Xây dựng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó cần tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, và đã được đánh giá tác động để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện.
-
Vật liệu xây dựng siêu nhẹ: Đường vào thị trường vẫn còn gian nan
CafeLand - Nhu cầu xây nhà bằng vật liệu 3D, vật liệu nhẹ đang trở thành xu hướng mới trên thế giới và ở Việt Nam với những hiệu quả kinh tế vượt trội như giảm chi phí, thi công nhanh, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, con đường đưa các sản phẩm mới này vào thị trường xây dựng vẫn còn không ít chông gai.