Thị trường bất động sản đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh
Năm nhiều dấu ấn
Năm 2011 được coi là năm nhiều dấu ấn của thị trường BĐS Việt Nam. Trong năm 2011, Bộ Xây dựng đã hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 - chiến lược phát triển nhà đầu tiên ở Việt Nam. Đây cũng là năm hàng loạt văn bản được khởi thảo, ban hành, trong đó có hàng loạt Nghị định, dự thảo Nghị định và Đề án (về nhà ở tái định cư, nhà ở cho thuê, quỹ tiết kiệm nhà ở...). Đây cũng là năm mà sau thời gian dài phát triển với nhịp độ cao, thị trường BĐS đã chững lại, giá cả giảm, giao dịch trầm lắng....
“Thị trường BĐS đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh như phát triển chưa căn cứ vào nhu cầu thị trường, tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch, thiếu đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, cơ cấu hàng hoá BĐS nhà ở mất cân đối. Giá nhà vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, tình trạng đầu cơ, kích giá vẫn còn phổ biến” - Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận tại Hội nghị triển khai công tác ngành Xây dựng năm 2011.
Riêng chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, đến nay đã có 42 dự án khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 907 ngàn m2, đáp ứng cho khoảng 73,2 ngàn người có thu nhập thấp. Hiện đã có gần 2000 căn hộ hoàn thành, đạt 1% kế hoạch.
Còn nhiều việc phải làm
Bộ Xây dựng thừa nhận, vẫn tồn tại những hạn chế chậm hoặc chưa được khắc phục. Công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị còn yếu, kết nối hạ tầng giữa các khu đô thị mới chưa được quan tâm. Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị. Một số dự án được triển khai manh mún, chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
“Thị trường BĐS vẫn có những diễn biến phức tạp, phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, giá cả nhà ở hàng hoá thiếu ổn định, trong thời gian gần đây đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao sovới mặt bằng thunhập chung của người dân. Cơ cấu sản phẩm căn hộ nhà ở phát triển chưa cân đối. Phát triển nhà ở còn nặng về nhà ở thương mại, chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp.” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá.
Triển khai thực hiện Chiến lược nhà ở, năm 2012, ngành Xây dựng tập trung nghiên cứu Đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở, Đề án phát triển nhà ở xã hội phục vụ các nhóm đối tượng có thu nhập thấp về nhà ở, Đề án về nhà ở cho thuê, Đề án nhà ở tái định cư, Đề án khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, cơ sở phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp tập trung, Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...
Năm tới, ngành cũng tập trung rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, từ đó phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với thị trường. Bộ cũng sẽ kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất của dự án để xây nhà ở xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Bộ Xây dựng
cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng nhà ở xã hội cho các
đối tượng khó khăn, người nghèo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm
của ngành Xây dựng, nhà nước sẽ hỗ trợ trong xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS; nghiên cứu,
xây dựng chiến lược về phát triển thị trường BĐS của Việt Nam… |