14/07/2013 8:48 PM
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Sẽ xứ lý nghiêm những vi phạm nhằm trục lợi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng

Đã 1,5 tháng trôi qua từ khi bắt đầu triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản. Để triển khai gói hỗ trợ này, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 1 nghị quyết, 2 thông tư và 2 văn bản hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thông tin cho thấy ở nhiều nơi, số người dân được tiếp cận trực tiếp gói hỗ trợ dự án nhà ở xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng có ý kiến cho rằng sau nhiều kỳ vọng và mong đợi của người dân đã bắt đầu xuất hiện hoài nghi về tiến độ triển khai gói hỗ trợ này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - đơn vị chủ trì thực hiện gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đã làm rõ thêm về tiến độ và những vướng mắc đang đặt ra, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhiều người dân trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.

PV: Thưa Bộ trưởng, xin bắt đầu cuộc trao đổi với Bộ trưởng về một số ý kiến mới đây cho rằng thực hiện gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là chúng ta đang đi lệch hướng Nghị quyết 02 của Chính phủ về xử lý hàng tồn kho. Tức là khi số lượng nhà ở tồn kho cũ chưa được xử lý hết thì chúng ta lại tiến hành xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội mới. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Những công việc của Bộ Xây dựng, các Bộ ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp là hoàn toàn thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Chúng ta đều biết, việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho và việc phát triển nhà ở xã hội là 2 nhiệm vụ khác nhau nhưng có sự liên quan mật thiết với nhau.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động, giải quyết hàng tồn kho là nhằm khắc phục tình trạng lệch pha về cung cầu, nhằm làm cho thị trường bất động sản giao dịch trở lại, ấm lên để góp phần tăng trưởng kinh tế.

Còn việc phát triển nhà ở xã hội là thực hiện chiến lược nhà ở với mục tiêu mọi người dân đều được cải thiện chỗ ở, có chỗ ở, đặc biệt là những người dân khó khăn về nhà ở.

Việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản trong NQ 02 đã chỉ ra quan điểm rất quan trọng mà Chính phủ yêu cầu là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng phải gắn với chiến lược nhà ở. Tức là sản phẩm bất động sản phải phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, phải đến với người dân chứ không phải làm theo khả năng chúng ta làm.

Chính vì vậy, chúng ta có thể thấy thời gian qua, bất động sản tồn kho nhiều sản phẩm quy mô lớn, giá cao trong khi đó lại thiếu sản phẩm quy mô nhỏ, giá thấp phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Do vậy phải khắc phục sự lệch pha này.

Hiện nay, tồn kho bất động sản không chỉ những căn hộ, những ngôi nhà đã xây xong mà còn ở nhiều dự án dở dang đã có hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng rồi hoặc có một phần hạ tầng rồi nhưng với mục tiêu làm nhà ở thương mại nhưng chưa làm. Cho nên để thực hiện tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng quan trọng là phải cấu trúc lại thị trường bất động sản, để các sản phẩm phù hợp các đối tượng, với mọi người dân. Những dự án đã có sản phẩm thì rất khó chuyển đổi. Còn với những dự án mới giải phóng mặt bằng thì hoàn toàn có thể chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký chuyển từ làm nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội.

Việc phát triển nhà ở xã hội theo cách làm này giúp chúng ta trong một lúc làm được nhiều việc, vừa đảm bảo khả năng thanh toán, người dân có nhà ở mà vẫn xử lý được hàng tồn kho ở những lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, đồ nội thất.

Đồng thời bằng sự hỗ trợ của Nhà nước bằng gói 30 nghìn tỷ đồng, cùng với chính sách hỗ trợ không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra…. thì đây chính là gói kích cầu để thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng trở lại.

Như vậy không chỉ người dân nghèo được mua nhà xã hội hưởng lợi mà cả người dân không mua nhà xã hội được hưởng lợi, do kinh tế tăng trưởng trở lại. Với người có thu nhập cao hơn thì gói hỗ trợ này sẽ tạo khả năng cho họ quay trở lại mua nhà ở thương mại hiện nay đang tồn kho. Như vậy, một việc làm những chúng ta đạt nhiều mục đích ý nghĩa.

PV: Theo quy định, khi triển khai gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng thì người dân được vay với tỷ lệ 70% và doanh nghiệp được vạy 30%. Tuy nhiên trong thực tế, mặc dù số nhà ở xã hội được triển khai tương đối rầm rộ ở các địa phương nhưng số người dân được tiếp cận nguồn vốn này chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, có lo ngại đặt ra là tiền sẽ chảy về doanh nghiệp thay vì ưu tiên cho người dân nghèo như quy định không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Gói hỗ trợ này là gói hỗ trợ cho người dân chưa có nhà ở, khó khăn về nhà ở để cải thiện nhà ở.

Trong quy định mà Bộ Xây dựng đề nghị cũng rất rõ ràng là 70% cho người mua nhà và 30% cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Như vậy, nếu nhiều dự án nhà ở xã hội được vay để xây dựng nhà ở xã hội thì tốt vì nếu nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ phục vụ cho nhiều người dân. Nhưng hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển nhà ở xã hội nhưng như tôi đã nói vì lợi nhuận từ nhà ở xã hội không cao nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà. Tuy nhiên, với doanh nghiệp dù có được vay nhiều cũng không quá 30%.

Gói tín dụng này là trung hạn, không phải đưa ra là làm được ngay. Mặt khác, có nhà ở xã hội thì mới cho người dân vay được, nhưng hiện nay khối lượng nhà này ít nên chưa giải ngân được ngay.

Và mục tiêu của gói hỗ trợ này là phải đúng người tiêu dùng, đúng người khó khăn về nhà ở. Nếu giải ngân nhiều nhưng chệch đối tượng thì không đạt được mục tiêu đề ra.

Vấn đền thứ hai, tôi cũng xin nhắc lại, gói hỗ trợ này là cho vay với lãi suất thấp chứ không phải cho không. Cho nên người dân cũng phải căn cứ vào khả năng trả nợ của mình để từ đó quyết định nên vay từ gói hỗ trợ hay là vay người thân và cân nhắc khả năng thanh toán sau này.

Thứ ba, gói tín dụng này thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính. Cho vay nhưng phải bảo toàn vốn cho nên họ cũng có những điều kiện để quản lý nguồn tín dụng.

Quan điểm của Bộ Xây dựng là gói tín dụng phải đến đúng đối tượng và giảm thiểu tối đa các thủ tục để người dân có thể tiếp cập gói tín dụng này thuận lợi nhất, phục vụ người dân tốt nhất.

PV: Có thính giả gửi thư đến chương trình và cho biết là có những dự án ở Hà Nội mặc dù niêm yết giá bán từ 10 triệu đến 14,5 triệu nhưng lại yêu cầu người mua nộp thêm một khoản tiền chênh từ 100-200 triệu đồng cho một căn hộ. Vậy Bộ trưởng có biết những dự án và những quy định về những “khoản nộp” này hay không và người dân đặt câu hỏi, liệu đây có phải là một hình thức “lách luật” để hưởng lợi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng hay không? Và nếu phát hiện thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, phải đến đúng đối tượng, còn ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Bộ Xây dựng có nghe những thông tin vừa nêu và hiện đang cho kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30 nghìn tỷ để làm lợi cho cá nhân hay một bộ phận.

Nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu họ không làm đúng thì không chỉ Bộ Xây dựng xử lý mà các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương phải cùng vào cuộc để xử lý.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng

Đặng Linh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.