Nhiều doanh nghiệp đất chưa sử dụng nhưng tiếp tục tham gia đấu giá để găm đất, giữ đất

Chiều 16/3, Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết giải pháp khắc phục tình trạng đấu giá đất cao bất thường, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên cao, thiết lập mặt bằng giá mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng nêu thực trạng hiện nay việc xác định giá khởi điểm để đấu giá đất còn rất nhiều bất cập, có lúc giá quá cao, có lúc quá thấp, có lúc lợi dụng để trục lợi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề đấu giá đất hiện nay không chỉ có “thổi giá” mà còn có “dìm giá”, “quân xanh quân đỏ” gây bức xúc dư luận. Đồng thời làm ảnh hưởng làm biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc thổi giá đất qua đấu giá cũng tạo ra mặt bằng mới làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

“Sâu hơn nữa việc thổi giá lên còn mang đến rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là các ngân hàng khi giá đấu giá là giá ảo nhưng có thể thế chấp và rút tiền thực, sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và rất nhiều vấn đề khác”, Bộ trưởng Hà thừa nhận, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Đầu tiên, việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau như việc đấu giá quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi các quy định về đất đai, đấu giá tài sản, quản lý thuế. Do nhiều luật nên thiếu quy định cụ thể, chưa đảm bảo tính linh hoạt để xử lý các tình huống phát sinh trong đấu giá loại tài sản đặc biệt (như quyền sử dụng đất). Cụ thể, mức tiền đặt trước chưa phù hợp, chưa có quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng đấu giá bằng hình thức trực tuyến với tài sản công có giá trị cao.

Bộ Trưởng Hà nói thêm, cần có quy định pháp luật cụ thể để đánh giá như thế nào là một cuộc đấu giá bình thường, như thế nào là một cuộc đấu giá không bình thường. Đối với doanh nghiệp đấu giá bỏ không tham gia phải có chế tài mạnh mẽ hơn, phải có những chế tài đánh vào kinh tế mạnh mẽ hơn nữa để đủ sức răn đe. Muốn làm được những điều này cần xem xét lại các quy định pháp luật cụ thể hơn.

Ngoài việc “thổi giá”, một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia để “dìm giá”.

Để bịt những lỗ hổng trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần thống nhất về mặt nhận thức trong định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt; cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể. Ngoài ra, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong đó trú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.

Các cơ quan cũng cần vào cuộc, tăng cường thanh tra việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Bộ Trưởng Hà cũng nói thêm, thổi giá đầu cơ đất đai là hiện tượng rõ ràng và có thực.

“Người dân và doanh nghiệp gửi tài sản vào đất, đất lên giá như ngựa phi, khi đầu tư toàn bộ tài sản của xã hội vào đất đai thì không hiệu quả, rất không tốt cho nền kinh tế, nên nhà nước phải điều tiết giá”, ông Hà nói và xác nhận có hiện tượng đất chưa sử dụng nhưng vẫn tiếp tục đấu giá để găm đất, giữ đất, để càng lâu giá càng lên.

Vì vậy, chính sách phải kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi, phải kiểm soát được lộ trình dự án đưa vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Bổ sung chế tài để xem xét những vấn đề lợi dụng cố tình găm đất, giữ đất.

Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch đô thị rất quan trọng và các quy hoạch này phải dựa trên cơ sở tính toán dự báo nhu cầu thì mới đưa ra nguồn cung.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.