Trước tình hình các trạm thu phí BOT ngày càng căng thẳng, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp để giảm áp lực từ làn sóng phản đối BOT đang lan rộng khắp cả nước. Trong đó có những giải pháp trước mắt như miễn, giảm phí cho những người dân trong khu vực gần trạm thu phí, điều chỉnh mức phí cho phù hợp...
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời tại buổi họp báo ngày 18/1
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, tình hình phản ứng BOT ở miền Bắc và miền Trung đang tạm lắng nhưng khu vực miền Nam hiện rất căng thẳng. Phản ứng của người dân không chỉ tại Cai Lậy, trên QL1A mà các tuyến quốc lộ khác cũng rất “nóng”.
Theo ông Thể, “những bất cập của BOT hiện nay có yếu tố lịch sử và Bộ GTVT có trách nhiệm và nhận trách nhiệm về việc này. Hiện, Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách mới, khắc phục được các bất cập hiện nay và Bộ GTVT cam kết không tiếp tục làm BOT trên đường hiện hữu, độc đạo nữa”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng lý giải, trước khi có Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về BOT (trong đó có nội dung không cho phép làm BOT trên đường hiện hữu), các văn bản của Đảng, Chính phủ không cấm làm dự án BOT trên đường hiện hữu.
Bộ GTVT cam kết không tiếp tục làm BOT trên đường hiện hữu, độc đạo để tránh sự phản đối của người dân như thời gian vừa qua.
“Tuy nhiên, việc các trạm BOT hiện nay trải đều, hàng chục trạm BOT cùng hoạt động, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế”, ông Thể nhận định.
Ông Thể cũng cho hay, sáng 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về BOT với nhiều ngành. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo bảo vệ trạm thu phí để có thể tiếp tục thu hút đầu tư BOT, nhất là cao tốc Bắc -Nam.
Ngoài ra, cũng theo ông Thể, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan như Thanh tra, Kiểm toán, các ban Đảng kiểm tra, phát hiện và xử lý các biểu hiện vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Về các giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn để tránh ách tắc tại các trạm thu phí dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, các hành vi manh động, phá barie, dừng hẳn tại trạm... là vi phạm pháp luật và Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công an kết hợp với Bộ GTVT xử lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo giám đốc công an các tỉnh vào cuộc.
Ngoài nguyên nhân nói trên, ông Thể cho rằng có việc một số tổ chức cá nhân “đi phản ứng từ trạm thu phí này đến trạm khác”, biến việc phản ứng về BOT thành vấn đề an ninh, trật tự.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, năm 2018, Bộ GTVT sẽ tập trung thực hiện dự án cao tốc Bắc -Nam, sân bay Long Thành. Với sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch nâng cấp, cải tạo và lấy ý kiến phản biện xã hội.
Bộ GTVT cũng sẽ hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, cùng UBND TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên. Việc lập dự án đường sắt tốc độ cao, đặc biệt là đoạn Hà Nội – Vinh, TPHCM - Nha Trang cũng sẽ được thực hiện trong năm 2018.








-
Lộ diện nhà đầu tư trúng thầu dự án hơn 56.000 tỷ lớn nhất tuyến Vành đai 4 Vùng Thủ đô
Hà Nội vừa chính thức “chốt” nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 3 hạng mục lớn nhất trên tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, với tổng mức đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng.
-
Hà Nội chỉ đạo khẩn về tiến độ 2 dự án BT
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 588 về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ thực hiện và những nội dung vướng mắc tại 2 dự án đầu tư công trình giao thông theo hình thức BT....
-
Thái Bình dừng hợp đồng BOT dự án tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng từ thành phố đi cầu Nghìn
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp với các sở, ngành và đại diện liên danh nhà đầu tư về đàm phán thỏa thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Ng...