Không giống như giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" khoảng 3 năm trước, tình hình kinh tế 2014 được người đứng đầu ngành kế hoạch nhận định là "không còn bức xúc nữa". Đánh giá này được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra khi tham gia ý kiến tại phiên họp tổ ngày 21/10 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.
Tuy vậy, vượt qua những ám ảnh của lạm phát và lãi suất trong giai đoạn trước, ông Bùi Quang Vinh vẫn đưa ra cái nhìn nhiều lo lắng cho giai đoạn 3-5 năm tới. Băn khoăn đầu tiên của ông đặt vào ngân sách. “Chưa bao giờ tiền dành cho đầu tư phát triển lại ở mức thấp như vậy. Chỉ ở mức khoảng 17% tổng chi”, ông Vinh nói.
Một loạt ví dụ được người đứng đầu ngành kế hoạch dẫn ra để minh họa cho miếng bánh ngân sách mà ông gọi là “quá bé” này. Theo đó, Trung ương chỉ có 47.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải chi cho 2 ngân hàng, cân đối ngân sách cho Bộ Giao thông năm 2014 chỉ có 2.000 tỷ đồng trong khi nhu cầu của bộ này cần ít nhất 20.000 tỷ cho khoản đối ứng. Mặt khác, Luật Ngân sách nhà nước quy định bội chi chỉ để dành đầu tư phát triển, nhưng trong số 226.000 tỷ bội chi của năm 2015, chỉ có 195.000 tỷ được bố trí cho lĩnh vực này.
"Chủ tịch Quốc hội mong muốn đến năm 2020 làm sao để quay lại cơ cấu tốt. Tuy nhiên, chi thường xuyên hiện lên tới 70%, phần còn lại chi đầu tư phát triển, chi trả nợ. Vậy là rất gay go”, Bộ trưởng lo lắng.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng nếu không tìm được động lực mới, Việt Nam khó tăng trưởng 7-8%.
Đáng ngại hơn, vị trưởng ngành thừa nhận Việt Nam đang vi phạm 3 nguyên tắc trụ cột của kinh tế trong chi ngân sách. Thứ nhất là tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động (ở các nước chỉ tăng lương khi năng suất lao động tăng lên). Thứ hai là tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách. Dẫu biết chi an sinh xã hội là nhu cầu bức xúc, quan trọng của mọi quốc gia, nhưng tốc độ tăng chi khoản này phải thấp hơn mức tăng thu. Thứ ba, tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Bộ trưởng đánh giá: “Nhiều chính sách ra đời không thực hiện được chỉ vì không có tiền”.
Bàn về kế hoạch năm tới, dẫn quan điểm nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cởi trói, đặc biệt là tín dụng phải nới lỏng để doanh nghiệp tiếp cận vốn mới mong tăng trưởng sản xuất, ông Vinh phản bác khi nói rằng đến thời điểm này các động lực phát triển đã tới hạn - tức là đã hết động lực phát triển. “Việt Nam cần cơ chế, chính sách mới để phát triển”, Bộ trưởng khẳng định
Ông cũng phân tích thêm việc Việt Nam đã qua một thời kỳ dài tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn và bán tài nguyên dạng thô (dầu khí, than đá, các quặng khác). Trong khi lao động thì không phải dựa vào tăng năng suất mà lại nhờ giá rẻ. “Các nước đang phát triển, chậm phát triển thì dựa vào các yếu tố trên. Nhưng 3 động lực ấy giờ đã cạn kiệt rồi. Nếu không thay đổi về chất thì không thể có mức tăng trưởng 7-8%, may lắm chỉ giữ mức hiện nay mà thậm chí còn tụt dần”, vị này cảnh báo.
“Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới. Phải thực hiện tốt 3 đột phá đã được đề ra: thể chế kinh tế; cơ sở hạ tầng; chất lượng nguồn nhân lực. Những việc này không chỉ làm trong năm 2015 mà phải làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong thời gian dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tán thành với Bộ trưởng, nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Hùng cũng lưu ý cần có sự phân biệt giữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển trực tiếp, như xây sân bay, đường giao thông với chi gián tiếp, ví dụ tình trạng xây công sở to, hoành tráng như phong trào ở nhiều địa phương năm qua. “Nếu không có tiền thì lại đổi đất vàng. Thêm nữa, chi thường xuyên tăng cao quá nhưng cải cách bộ máy như thế nào”, đại biểu Hùng băn khoăn.
Trước đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kể rằng, Quốc hội từng yêu cầu ông phải trả lời câu hỏi những dự án nào không hiệu quả, kém hiệu quả. Để làm việc này, Bộ Kế hoạch đã gửi công văn đến tất cả các địa phương thì nhận được phản hồi là "dự án nào cũng hiệu quả". “Tôi hỏi tiêu chí nào là hiệu quả thì các ông ấy bảo không hiệu quả chỗ này thì hiệu quả chỗ khác”, Bộ trưởng chia sẻ.