08/12/2014 8:50 PM
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đây là tín hiệu đáng mừng lạm phát thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào.

Vào thời điểm cuối năm như lúc này, Bộ Tài chính thường bận rộn cân đối các khoản thu để bù đắp chi tiêu ngân sách. Năm nay, tình hình đang có những tín hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới liên tục giảm đang là một khoản hụt thu ngân sách không nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: KT)

Bộ Tài chính đang xử lý các vấn đề cân đối ngân sách như thế nào cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trực tiếp trả lời những thắc mắc này của người dân.

** PV: Thưa Bộ trưởng, tuần qua, Bộ Tài chính đã phát đi thông tin là chỉ 11 tháng thu ngân sách cả nước đã vượt kế hoạch năm. Vậy xin hỏi Bộ trưởng là dù kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nhưng tại sao năm nay lại có tình hình thu ngân sách hơn hẳn năm ngoái?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sở dĩ năm nay có tín hiệu thu ngân sách đảm bảo đúng tiến độ, theo chúng tôi là có các nguyên nhân sau: Các ngành, các cấp đã thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01 của Chính phủ, về tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế. Đây là việc làm đồng bộ, kịp thời từ trên xuống dưới.

Thứ hai, đến nay kinh tế năm 2014 có nhiều tín hiệu đáng mừng, tăng trưởng đạt 5,8% kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng tạo điều kiện tăng thu ngân sách Nhà nước.

Thứ ba, trong quá trình điều hành việc thực hiện chính sách tài khóa triệt để tiết kiệm chủ động phối hợp với các ngành, các cấp để quản lý thu, chi ngay từ đầu năm. Thứ 4 là toàn ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường chống buôn lậu gian lận thương mại và thứ 5 là theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ năm nay Bộ Tài chính triệt để cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế.

** PV: Như Bộ trưởng vừa cho biết tình hình thu ngân sách năm nay của đất nước là khả quan, tuy nhiên thực tế giá dầu thế giới đã giảm liên tục đến hơn 30% trong 6 tháng qua, ước tính là mỗi USD giảm cho 1 thùng dầu thô thế giới, ngân sách chúng ta đã giảm đi 1.000 tỷ đồng. Trong khi giá dầu chưa có dấu hiệu chấm dứt đã giảm, thì sự hụt thu ngân sách cần phải được ứng phó như thế nào trong thời gian tới thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước tình hình đó, trong 2 tháng qua, Bộ Tài chính liên tục theo dõi, cập nhật tình hình giá dầu thế giới, trong nước liên tục phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển đó là vấn để căn cơ tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tiếp tục theo dõi diễn biến giá dầu, nghiên cứu các phương án và kết hợp điều hành có hiệu quả về các giải pháp công cụ tài chính thuế, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Khi giá dầu giảm như thế, chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh trong nước sẽ giảm theo, là điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp chúng ta. Do vậy, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế và chống buôn lậu, gian lận thương mại, một phần chống thất thu ngân sách nhà nước, một phần tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Thời gian tới, chủ động phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương để quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý thu, quản lý chi, phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu mà Quốc hội giao và giải pháp căn cơ là tiếp tục thực hiện kỉ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm theo dõi chủ động điều hành ngân sách nhà nước linh hoạt nhằm hoạt thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2015.

** PV: Một người dân gửi thư về chuyên mục có cho biết: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm liên tiếp 10 lần với tổng mức giảm đến gần 5.400 đồng/lít, nhưng một số hãng taxi chỉ giảm vài trăm đồng/lít và vận tải đường dài chỉ giảm giá cước vài nghìn đồng. Theo Bộ trưởng mức giảm giá từ 2-11% của các hãng vận tải như vậy là đã hợp lý hay chưa?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước tình hình đó, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiến hành thanh tra kiểm tra tại một số địa phương, qua đó thấy xe chạy xăng chi phí cấu thành giá vận tải gồm nhiều chi phí xăng, dầu, khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí cầu đường…trong đó với xe chạy xăng chi phí chiếm từ 25-35%, xe chạy dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.

Do đó, nếu tính riêng tác động của việc giảm giá nhiên liệu và cố định các yếu tố khác, với mức giảm hiện nay của các hãng vận tải từ trên từ 5-8% là tương đối hợp lí. Tùy từng hãng vận tải khác nhau, tuy nhiên có hãng sẵn sàng giảm chi phí cao hơn mức 8% là bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình này, nhưng trước mắt mức giảm này là tương đối hợp lí.

** PV: Trước thực trạng giá cước giảm chậm, thậm chí còn chưa giảm giá cước của các hãng vận tải khí giá xăng giảm sâu, quan điểm của Bộ Tài chính là như thế nào nước trước đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước hết việc điều hành quản lý giá là phải theo quy định của pháp luật, hiện nay chúng ta đã có Luật giá và theo đó giá cước vận tải không nằm trong danh mục bình ổn giá. Hơn nữa, giá cước vận tải đang có nhiều hãng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, thực tế chứng minh có nhiều hãng đã hạ giá rất thấp để cạnh tranh với nhau.

Như vậy, chúng tôi cho rằng, thời gian tới việc đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trước mắt là chưa cần bổ sung giá cước vận tải vào danh mục nhà nước bình ổn giá.

** PV: Thưa Bộ trưởng lạm phát năm nay được dự báo không quá 4% thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đầu năm 7% và là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Vậy lạm phát thấp như vậy có đáng lo ngại không? Chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì về việc kiềm chế lạm phát?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo tôi mức lạm phát này không đáng lo ngại, mà là tín hiệu đáng mừng lạm phát thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Điều đó, thể hiện chúng ta điều hành kinh tố vĩ mô ổn định, quý sau tăng hơn quý trước và cùng kỳ năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước, và có thể năm nay tăng trưởng kinh tế của chúng ta vượt mức 5,8%.

Rõ ràng trong thời gian vừa qua kinh tế vĩ mỗ tiếp tục ổn định và việc điều hành chính sách tiền tệ cũng linh hoạt đi đúng hướng, điều hành giá cả đúng quy luật thị trường, rồi tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là cầu tốt.

Chúng tôi cho rằng việc lạm phát thấp là điều đáng mức tiếp tục phát huy. Bài học là chúng ta phải đảm bảo được kinh tế vĩ mô, đảm bảo điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ là nhịp nhàng với nhau; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa tránh cung thấp so với cầu khiến giá cả tăng đột biến. Chúng ta phải tăng cường quản lý thị trường, giá cả, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và công khai thông tin minh bạch.

** PV: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!.

Văn Hiếu (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.