21/10/2020 8:30 PM
Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định có thể thực hiện ngay được việc bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Hai phương án cho lộ trình bỏ sổ hộ khẩu

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội đều tán thành cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới.

Các ý kiến cũng nhất trí việc Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, song đề nghị cần một số quy định chuyển tiếp để các cơ quan Nhà nước kịp thích ứng, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Đa số đại biểu đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Theo Chủ nhiệm Tùng, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp thu, làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận. Một là, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến ngày 31/12/2022. Hai là, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy ngay từ 1/7/2021.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc sửa đổi theo hướng chuyển phương thức quản lý cư sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú sang quản lý bằng dữ liệu điện tử.

"Đây là vấn đề không đơn giản, nên để tránh tình trạng gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân rất cần có điều kiện chuyển tiếp. Tôi nhất trí việc sử dụng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy đến 31/12/2022", đại biểu Cường nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung lo ngại thực tế còn rất nhiều thủ tục hành chính, giao dịch cần có sổ hộ khẩu nên nếu bỏ ngay khi luật có hiệu lực sẽ khiến người dân gặp khó khăn. Bà cho rằng để triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào 2021 là rất khó khả thi.

Bỏ sổ hộ khẩu là mong ướng của người dân

Thay mặt ban soạn thảo dự án luật giải trình làm rõ các ý kiến của các đại biểu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định, Luật Cư trú phải đảm bảo yêu cầu không cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của công dân. Đồng thời xác định vị trí pháp lý của người dân, của công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Dù ở đâu, người dân cũng phải có vị trí pháp lý để giao dịch, xác nhận.

Ông nhấn mạnh: "Đây là điều rất quan trọng chứ không phải như ý kiến đại biểu nào đó cho rằng thường trú, tạm trú này không có ý nghĩa gì. Với người dân, đây là sự xác định vị trí pháp lý để giao dịch trong cuộc sống. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước quản lý công dân".

Theo vị Đại tướng, trong quy định đăng ký quản lý không được gây phiền hà, phức tạp cho nhân dân, theo đó có quản lý, nhưng không lấy những quy định đó để nhũng nhiễu người dân. Trong quá trình chuyển đổi số khiến nhiều đại biểu băn khoăn, do đó, đã có 2 phương án được đề xuất, nhưng nếu không dứt khoát được thời điểm thực hiện sẽ rất phiền phức cho người dân và hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước.

Bộ trưởng Công an khẳng định có thể thực hiện ngay được việc bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Ông Tô Lâm phân tích việc bỏ sổ hộ khẩu là mong ước của người dân. Sổ hộ khẩu có nhiều điều khoản khác, quy định đi theo. Thay đổi phương thức quản lý, đòi hỏi cả hệ thống phải thay đổi.

Đồng thời với Luật Cư trú là triển khai dự án về Căn cước công dân vào Luật Cư trú và đến nay, chúng tôi đã thu thập được 90% thông tin về cơ sở dữ liệu về dân cư. Hiện chỉ thẩm định, phúc tra lại và đưa vào trong hệ thống máy, còn 10% có thể hoành thành trong năm 2020.

"Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý và xem xét những trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh dự luật, cũng như đáp ứng được các yêu cầu của việc chỉnh sửa. Công tác quản lý cư trú nói riêng và quản lý dân cư nói chung đã thể hiện được định hướng rõ rệt trong ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước. Nếu chúng ta quản lý được cư dân tốt, quản lý được cư trú tốt thì có lẽ không phải tổng điều tra dân số, vì tất cả đã được quản lý theo hệ thống. Theo đó, góp phần giảm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

  • Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Lợi cả đôi đường!

    Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Lợi cả đôi đường!

    Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với phương án đề xuất tại dự thảo Luật Cư trú sửa đổi là luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Theo đó, dự thảo quy định sẽ thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ hộ khẩu giấy sang sử dụng mã số định danh cá nhân. Quy định này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận khi cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ lợi đôi đường - cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Bảo Lâm (Nhadautu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.