Đấu giá đất trong cả nước diễn biến ra sao trong thời gian qua?
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhìn chung, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã tạo ra cơ chế minh bạch trong tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường, hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế xin - cho, chỉ định đối tượng được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, qua đó đã góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu giá quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đơn cử như vụ việc tại Đông Anh, Hà Nội thời gian qua. (Ảnh: Internet)
Theo Báo cáo số 5382/BTC-QLCS ngày 24/5/2021 của Bộ Tài chính, kết quả thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước (trong đó có cả hình thức đấu giá quyền sử dụng đất) đều tăng qua các năm.
Dẫn chứng cụ thể, năm 2013 là 63.681 tỷ đồng (chiếm 7,80% tổng thu NSNN năm 2013); năm 2014 là 69.580 tỷ đồng (chiếm 8,89% tổng thu NSNN năm 2014); năm 2015 là 102.045 tỷ đồng (chiếm 11,20% tổng thu NSNN năm 2015); năm 2016 là 145.801 tỷ đồng (chiếm 14,37% tổng thu NSNN năm 2016); năm 2017 là 185.957 tỷ đồng (chiếm 15,34% tổng thu NSNN năm 2017).
Trong khi đó, năm 2018 là 218.699 tỷ đồng (chiếm 16,58% tổng thu NSNN năm 2018); năm 2019 là 232.689 tỷ đồng (chiếm 16,49% tổng thu NSNN năm 2019); năm 2020 là 254.854 tỷ đồng (chiếm 16,85% tổng thu NSNN năm 2020.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đấu giá đất trong thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện một số hạn chế, tồn tại như hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh- quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá” ...
Đơn cử như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội năm 2021.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mặc dù Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về việc Đấu giá viên quyết định dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá và thông báo cho tổ chức đấu giá tài sản (điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Đấu giá tài sản) hoặc do yêu cầu của người có tài sản đấu giá.
Đó là trường hợp khi có căn cứ cho rằng tổ chức đấu giá tài sản, Đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá (điểm c, điểm d khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đấu giá, các hành vi vi phạm nêu trên rất khó nhận biết, khó bị phát hiện.
Đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm vừa qua đã để lại bài học gì?
Bài học gì từ vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm?
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân của những tồn tại trong vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm.
Đơn cử như, một số địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, vai trò giám sát của chính quyền các cấp chưa nghiêm túc.
Việc đấu giá đất chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật như pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật về quản lý thuế. Các quy định của pháp luật về đấu giá đất chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, pháp luật về quản lý thuế có quy định nếu hết thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định thì sẽ được cơ quan thuế gia hạn và phải chịu phạt chậm nộp theo quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, đối với việc nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP quy định: “Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, pháp luật còn có quy định chưa thống nhất về việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, hiện không có quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực như đã phân tích ở trên.
Đồng thời quy định không đầy đủ, không rõ ràng về việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.
Chưa có chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất.
Việc áp dụng pháp luật về quản lý thuế để xử lý cho trường hợp đấu giá đất là chưa phù hợp do việc thực hiện cam kết trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là tự nguyện theo pháp luật dân sự, không giống như trường hợp được Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất (quyết định hành chính).
Đặc biệt, thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng ...
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ?
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra tại một số địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất, phát hiện các khoảng trống, hạn chế của quy định pháp luật để kiến nghị sửa đổi.
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại không cho phép đảo nợ hoặc định giá lại đối với quyền sử dụng đất đã thế chấp; thắt chặt tín dụng bất động sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cho vay vốn tín dụng bất động sản.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm tốt công tác xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm sát giá phổ biến trên thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản;….
Bộ Tài nguyên và Môi trường còn kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá quyền sử dụng đất.
Thứ nhất cần tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.
Thứ hai, cần bổ sung quy định khi được công nhận là người trúng đấu giá thì phải nộp ngay số tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá (Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước từ 5-20% giá khởi điểm khi tham gia đấu giá - khoản tiền này chỉ được coi là khoản đặt trước để được tham gia cuộc đấu giá).
Tiếp đến là bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá; bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực; bổ sung quy định xử lý thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất.
Bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung của Pháp luật về quản lý thuế.
Cuối cùng là sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan để có chính sách tạo cơ chế thuận lợi cho việc thu hồi đất theo quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và làm nhiệm vụ bình ổn giá đất khi thị trường có dấu hiệu sốt đột biến.
-
Đề nghị các địa phương cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Đào Minh Tú vừa ký Công văn số 210/NHNN-TTGSNH gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....
-
Diễn biến lạ tại một doanh nghiệp bất động sản: Chủ tịch xin từ nhiệm, HĐQT không còn ai
Sau khi bán gần hết cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp bất động sản này cũng xin từ nhiệm. Đáng nói với việc lãnh đạo này rời ghế Chủ tịch, HĐQT công ty không còn thành viên nào.
-
Tái khởi động Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng tại TP.Thủ Đức
Dự án Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TP.HCM, tọa lạc tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.