CafeLand - Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện tháng 3-2020, Bộ Tài chính đã kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Ảnh minh hoạ

Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3/2020 là 61.591,412 tỉ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Nhà nước giao (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó vốn trong nước là 58.596,195 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 2.995,216 tỉ đồng.

Số liệu này có tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tỷ lệ giải ngân ba tháng đầu năm vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Cụ thể, có 29 bộ, ngành và một địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có tới 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Theo Bộ Tài chính, có bốn nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong nước ba tháng đầu năm.

Thứ nhất, theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, do vậy các chủ đầu tư cũng tập trung giải ngân vốn kéo dài năm năm 2019 sang năm 2020. Theo số liệu thống kê của Kho bạc nhà nước, số vốn trong kế hoạch năm 2019 kéo dài giải ngân sang năm 2020 khoảng 61.685,1 tỉ đồng.

Thứ hai, một số dự án bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó chưa có kế hoạch để giải ngân.

Thứ ba, còn nhiều chủ đầu tư các dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp đã được cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 nhưng chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc nhà nước.

Theo thống kê của Kho bạc nhà nước, đến hết tháng 3/2020 có 43.896 dự án khởi công mới, và dự án chuyển tiếp được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 với tổng số kế hoạch vốn khoảng 225.679,1 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa đến mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc nhà nước.

Thứ tư, thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán trong quý 1 và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật tư... từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình triển khai thực hiện và thanh toán vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, đồng thời thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án.

Các bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.