Đánh giá về công tác đầu tư xây dựng cơ bản của ngành giao thông 9 tháng năm 2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 77 công trình, dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng như: 26 dự án nâng cấp, mở rộng QL1, toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, Cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, 75,2km đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; Nhà ga đường sắt Ninh Bình, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp…
Trong năm 2015, tổng cộng các nguồn vốn được giao, dự kiến giải ngân cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông là 86.759 tỷ đồng, trong đó có 6.699 tỷ đồng hoàn ứng, còn lại 80.060 tỷ đồng sẽ được thực hiện và giải ngân trong năm 2015. Trong 9 tháng năm 2015, kết quả thực hiện ước đạt 63.927 tỷ đồng, đạt 79,85%; giải ngân ước đạt 60.764 tỷ đồng, đạt 75,90% kế hoạch năm 2015.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Việc huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài NSNN để đầu tư phát triển KCHTGT tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Công tác quản lý khai thác, bảo trì KCHTGT các lĩnh vực được tăng cường. Đã đấu thầu thành công 122 gói thầu quản lý, bảo dưỡng các quốc lộ đang khai thác, tiết kiệm được khoảng 78,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý là công tác quản lý các dự án đầu tư, kể cả các dự án BOT, BT, PPP đều được chú trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năm 2015, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đứng vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014 và tăng 38 bậc so với năm 2010, góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc so với năm 2014.
Đối với việc xây dựng và phát triển giao thông nông thôn, Đề án Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT cho vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai quyết liệt. Đến nay đã cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác 187 cầu treo của giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2 của Đề án tiếp tục được Bộ xúc tiến huy động các nguồn vốn để triển khai, được xã hội và người dân đồng thuận, tích cực tham gia.
Trong 9 tháng, tổng số thu phí sử dụng đường bộ qua các trạm đăng kiểm trên cả nước ước đạt 4.141 tỷ đồng, đạt 86,5% kế hoạch năm 2015. Đã chi 3.636 tỷ đồng để bảo trì hệ thống quốc lộ, đạt 57% kế hoạch năm 2015; chi 1.177 tỷ đồng để bảo trì đường địa phương, đạt 55,6% kế hoạch năm 2015.
Trong công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, 9 tháng năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO 7 DN, chuyển đổi hình thức Cty CP đối với 29 DN, thoái vốn tại 34 DN, thu về 2.377 tỉ đồng và hiện đang tập trung thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 58 DN với tổng giá trị thoái vốn theo mệnh giá là 5.726 tỉ đồng.
Bộ GTVT cũng đã thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đã phê duyệt danh sách nhà đầu tư chiến lược, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; phấn đấu hoàn thành phương án cổ phần hóa trong năm 2015.
Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 40 công trình, dự án. Đặc biệt là các dự án trọng điểm như khánh thành toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, toàn tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nút giao cầu Thanh Trì với QL5, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, mở rộng sân đỗ máy bay – Cảng hàng không Thọ Xuân... Đồng thời tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 15 công trình, dự án giao thông quan trọng khác./.