Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, cần tới hơn 11.700 tỷ đồng ngân sách để xử lý bất cập tại 8 dự án Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) đã hoàn thành nhưng doanh nghiệp không được thu phí hoặc dự án giảm doanh thu do thay đổi chính sách, lưu lượng xe giảm. Những tên tuổi như Đèo Cả, Cienco4, Tuấn Lộc… là nhà đầu tư tham gia vào các dự án này.

Cần hơn 11.700 tỷ mua 8 dự án BOT giao thông

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tiến hành tổng rà soát các trạm thu phí BOT trên các tuyến Quốc lộ, qua đó thống kê còn 8 dự án BOT cần xử lý gồm: Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả); Trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6); Trạm thu phí Km1747 (Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738 + 148-Km1763 + 610); Trạm thu phí T2 (Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 qua TP Cần Thơ, đoạn Km14-Km50 + 889).

Trạm thu phí Quốc lộ 3 (Dự án BOT xây dựng tuyến Thái Nguyên-Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100); Trạm thu phí cầu Thái Hà (Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà bắc qua sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình); Dự án BOT Quốc lộ 26; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ Giao thông Vận tải “xin” hơn 11.700 tỷ đồng mua lại 8 dự án BOT giao thông.

Đối với 8 dự án BOT nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc chưa thu phí hoặc giảm doanh thu chủ yếu do nguyên nhân khách quan, khó lường (như bất khả kháng) hoặc do thay đổi chính sách pháp luật từ các cơ quan Nhà nước.

Theo quy định của hợp đồng dự án BOT, trong trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến việc thu phí hoặc doanh thu, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ nhà đầu tư để đảm bảo hoàn vốn và lợi nhuận theo hợp đồng và thanh toán, bù đắp các chi phí do nhà đầu tư thực hiện đã được xác định thông qua kiểm toán.

“Về giải pháp tổng thể để xử lý các tồn tại, bất cập tại các dự án BOT trên, cần bố trí vốn ngân sách Nhà nước khoảng 11.710 tỷ đồng”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Về phần vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hiện nay, Luật Đầu tư công không có quy định cho phép thu xếp vốn đầu tư công để nhà đầu tư thanh toán khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, để có cơ sở thực hiện, cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết năm 2021, cả nước đã huy động được khoảng 706.000 tỷ đồng đầu tư vào 222 dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó các dự án đầu tư là theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hình thức BOT chiếm khoảng 53,6% (119 dự án với tổng vốn hơn 388 nghìn tỷ đồng).

Đến nay, Bộ GTVT đã xử lý các tồn tại, bất cập tại 14 trạm thu phí còn tồn tại, bất cập; Sau khi xử lý sự cố, các trạm thu phí đã nhận được sự đồng thuận của người sử dụng dịch vụ, tình hình an ninh được đảm bảo, công tác thu phí cơ bản ổn định.

Bộ GTVT giao Vụ Đối tác công tư trong tháng 5/2022 có báo cáo cụ thể các trạm BOT để trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án tháo gỡ, xử lý.

Tiền lớn khả năng sắp đổ về doanh nghiệp nào?

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nếu các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông.

Trong số 8 dự án nói trên, dự án Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả) được Chính phủ phê duyệt năm 2012, gồm 4 công trình hầm xuyên núi trên quốc lộ 1 là hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) thực hiện. Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 21.613 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 5.048 tỷ đồng, còn lại 16.564 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Quá trình triển khai, phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả bị ảnh hưởng do việc thay đổi chính sách. Ngoài phần vốn góp của nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả, song Quốc hội quyết định không thu phí cao tốc này do dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách. Việc chậm được hỗ trợ khiến nhà đầu tư gặp khó khăn vì thiếu vốn thực hiện dự án và phát sinh trả lãi vay. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nếu không thu phí trạm BOT này, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.350 tỷ đồng cho dự án.

Trong khi đó, dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Thanh Hóa (tuyến tránh phía Đông) được triển khai từ tháng 4/2005, hoàn thành đưa vào thu phí từ tháng 1/2009, sử dụng Trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn. Theo hợp đồng BOT giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư (Liên danh Bitexco - Cienco1 - Vinawaco - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà - Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh - Tổng công ty Công trình giao thông I Thanh Hóa). Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư là 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm.

Tuy nhiên, do Trạm thu phí Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1 nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Tây (cách tuyến tránh phía Tây khoảng 38 km), nên bất cập do đầu tư một nơi, thu phí một nơi. Chính vì vậy, dù tuyến tránh phía Tây đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng nhà đầu tư chưa được thu phí để hoàn vốn.

Dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40 km và cải tạo quốc lộ 3 dài 25 km có tổng mức đầu tư 2.740 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho dự án, UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đặt một trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới và một trạm trên quốc lộ 3.

Từ năm 2017 đến nay, trạm BOT quốc lộ 3 chưa được thu phí, trong khi mỗi tháng nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỷ đồng tiền lãi vay. Doanh thu trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới đạt thấp do nhiều xe đi trên quốc lộ 3 thay vì đi đường mới.

Đây là dự án do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng & thương mại Trường Lộc Việt Nam là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã kiến nghị Nhà nước mua lại dự án gần 3.000 tỷ đồng, gồm tổng mức đầu tư sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng.

Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng nằm trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng, trạm thu phí đặt tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, được thu phí từ tháng 1/2019.

Theo Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà, doanh thu thu phí thấp vì phương tiện chọn đi cầu Hưng Hà không phải trả phí. Dự án BOT Thái Hà không thể hoàn vốn, càng kéo dài thời gian thu phí thì doanh nghiệp càng lỗ, không có nguồn tài chính để bù đắp.

Trước đó, đề xuất nói trên của Bộ GTVT đã vấp phải sự phản đối rằng, việc dùng ngân sách để “giải cứu” dự án BOT là đặt sai chỗ, sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, gây áp lực cho ngân sách nhà nước… Cũng có ý kiến cho rằng hợp đồng PPP là chia sẻ rủi ro, không thể trả lại dự án để đổi lấy tiền ngân sách nhà nước.

Thực tế, việc dự án BOT không đảm bảo doanh thu tối thiểu, phá vỡ phương án tài chính không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà là vấn đề khiến nhiều quốc gia đã phải lưu tâm khi xây dựng chính sách pháp luật về PPP. Một số quốc gia, như Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, Chính phủ đã phải thực hiện bảo lãnh doanh thu tối thiểu để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn

Nếu việc mua lại dự án được thông qua, dự kiến các doanh nghiệp như Đèo Cả, Cienco4, Tuấn Lộc… sẽ được nhận khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.