27/07/2021 7:39 AM
CafeLand - Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà, đất của một số bộ, ngành.

Nhiều bộ ngành vi phạm quản lý nhà đất.

Chưa xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm nhà đất kéo dài

Theo KTNN, một số bộ, cơ quan trung ương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm về nhà, đất kéo dài qua các năm.

Trong đó, Bộ Nội vụ có 2 đơn vị thuộc Cục Văn thư LTNN (Trung tâm LTQG II - 113 Đông Hưng Thuận, quận 12, TP. HCM, Trung tâm LTQG IV - K2 Đà Lạt) giao cho cán bộ, viên chức sử dụng đến nay chưa thu hồi được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Viện Nghiên cứu thiết kế trường học cho Công ty xây dựng trường học (nay là Công ty xây dựng Đông Dương) sử dụng trụ sở từ năm 2010 đến nay chưa thu hồi được.

Ngoài ra, tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Bộ Giáo dục và Đào tạo có ô số 4 diện tích 124,25m2 do 6 hộ gia đình lấn chiếm, ô số 13 với diện tích 4.843,6m2 do Công ty ICD sử dụng cho thuê ở mặt tiền sát cổng parabol (2.188,3m2). Ngoài ra còn có các hộ dân và ông Trịnh Văn Tiến lấn chiếm trái phép một phần diện tích sau nhà D9.

Ngày 1/7/2015, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3036/QĐ-UBND về việc thu hồi đối với diện tích trên, nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa thu hồi được.

Tại Bộ Giao thông vận tải có cơ sở đào tạo Lái xe phường Phú Thịnh, Sơn Tây thuộc trường Cao đẳng GTVT Trung ương I do gia đình người dân chiếm dụng 140,5m2 từ năm 1996.

Tại Bộ Xây dựng, Văn phòng Bộ chưa làm các thủ tục di dời nơi làm việc của 2 doanh nghiệp đang sử dụng nhà 5 tầng nguồn gốc góp vốn đầu tư xây dựng từ năm 1995.

Hay như Trường Cao đẳng Xây dựng TP. HCM, trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị, Viện Kiến trúc Quốc gia chưa xử lý di dời các hộ dân đã ở từ nhiều năm trước để thu hồi đất tại các trụ sở.

Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 407,2ha đất lấn chiếm. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam có 241,6ha đất đang tranh chấp...

Bộ Y tế còn tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất làm nhà ở trong suốt thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm theo quy định tại Điều 13, 15 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, tổng diện tích 7.820,2m2…

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số bộ chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Đơn cử như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có 99 cơ sở nhà đất được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà đất.

Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2019 mới có 114/505 cơ sở nhà đất đã thực hiện rà soát, kê khai, sắp xếp lại nhà đất (tương đương 22,5%).

Ủy ban Dân tộc có 1 cơ sở (80-82 Phan Đình Phùng) chưa được cấp có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất, 2 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại.

Tổng cục Hải Quan còn 49 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt trong phương án sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, trong đó 28 cơ sở đã báo cáo Bộ Tài chính và 21 cơ sở chưa báo cáo Bộ Tài chính.

Tại Bộ Nội vụ có 11 cơ sở nhà, đất của 10 đơn vị tại 8 tỉnh thành chưa xây dựng phương án sắp xếp, xử lý các loại tài sản công.

Ngay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ về lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 87 cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng, gửi cơ quan quản lý cấp trên theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Cho thuê, mượn đất trái quy định

Báo cáo của KTNN cũng chỉ ra các vi phạm liên quan đến việc thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định, liên kết, hợp tác góp vốn kinh doanh có nguy cơ mất kiểm soát về quản lý diện tích đất được giao.

Đơn cử, tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến thời điểm 31/12/2019 có 33 đơn vị sử dụng tài sản thực hiện liên kết kinh doanh thời gian từ 1 đến 10 năm để mở dịch vụ (café và dịch vụ phụ trợ…), tổng số tiền thu được từ hoạt động này trong năm 2019 là 117,383 tỉ đồng.

Theo KTNN, việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa dứt điểm, nhất là Tòa án nhân dân tối cao với 9 cơ sở nhà, đất dôi dư đang làm thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có văn bản cho phép bán của Bộ Tài chính, đến nay chưa thực hiện xong.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tài sản là nhà, đất chưa cao như Bộ GTVT có Cục Hàng không Việt Nam đang quản lý khu đất số 200/10/2 phố Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Khu đất này có diện tích 9.075,8m 2, được dùng làm khu thể dục thể thao của ngành, song việc giao quản lý và sử dụng cơ sở đất chưa phát huy hiệu quả.

Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT về phương án hoàn trả lại cho địa phương nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời.

Ngoài ra, tại một số địa phương còn tình trạng để đất công bị lấn chiếm hoặc cho thuê kinh doanh sai quy định.

Một số đơn vị sự nghiệp cho thuê tài sản nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định

Một số đơn vị chưa lập phương án, kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt đối với diện tích đất quy hoạch đưa ra ngoài diện tích đất rừng giao cho địa phương quản lý.

Nhiều bất cập tại các dự án BT, BOT

Báo cáo kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT năm 2020 của KTNN cho thấy, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, phương án tài chính xác định thời gian thu phí hoàn vốn còn một số chỉ tiêu chưa được cập nhật để phù hợp với thực tế phát sinh định kỳ theo quy định.

Một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án song nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT; chưa quy định nguyên tắc và điều kiện điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính.

Dự án đưa vào vận hành nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng; toàn bộ các dự án BOT trên địa bàn chưa xác định tiền thuê đất theo quy định (tỉnh Đồng Nai)…

Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỉ đồng, có 1 dự án BOT thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu.

Với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT: lập và phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) chưa chính xác, không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng làm tăng TMĐT; nhà đầu tư góp vốn không đủ theo hợp đồng BT;…

Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 1.801,86 tỉ đồng. Trong 10 dự án BT được kiểm toán có một dự án kiểm toán có tỷ lệ xử lý trên 49% giá trị được kiểm toán, một dự án có tỷ lệ xử lý trên 20% giá trị được kiểm toán.

  • Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công

    Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công

    Thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ tài sản công, nhất là đất công, tránh tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.