Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đang điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) trong việc đầu tư 2 dự án: Dự án Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội).
Để phục vụ công tác điều tra, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu gồm: các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện nay của 2 dự án trên.
Ngoài ra, CO3 cũng đề nghị cung cấp các tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án.
VICEM có tên trong danh sách các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện theo chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021. Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đối với 3 lô đất của VICEM, trong đó có 2 lô đất triển khai 2 dự án nói trên.
Cụ thể, báo cáo của KTNN chỉ ra rằng, đối với Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (VICEM Tower) tại lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.952 tỷ đồng. Sau đó, số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo KTNN, lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ "Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy" thành "tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc VICEM theo quy hoạch của TP Hà Nội", được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.
Nằm trong tiến trình cổ phần hóa, VICEM chủ trương dừng đầu tư một loạt dự án dở dang, chuyển nhượng dự án không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để thu hồi vốn.
VICEM là thương hiệu xi măng lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, VICEM đạt doanh thu hơn 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.300 tỷ đồng.
-
Vicem muốn bán ‘đất vàng’ trước cổ phần hoá: Đừng khôn lỏi
Khi Kiểm toán đã chỉ ra những sai phạm thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc làm rõ ràng.