Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng, lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Dự thảo Nghị định quy định xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được sản xuất vàng miếng và tạo cơ chế cho phép nhập khấu vàng để có nguồn vàng nguyên liệu.
Bộ Công an cho rằng cần bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng
Góp ý về vấn đề giấy phép, thủ tục tại dự thảo Nghị định 24, Bộ Công an cho rằng dự thảo nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép (Giấy phép sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng nguyên liệu), nguy cơ xuất hiện cơ chế “giấy phép mẹ” tạo ra nhiều “giấy phép con” và cơ chế cấp quota hạn ngạch sản xuất vàng miếng, hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần.
Tại dự thảo Nghị định sẽ có nhóm doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện vốn điều lệ để được cấp phép sản xuất vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu như 03 công ty (SJC, PNJ, DOJI), 04 Ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và 04 Ngân hàng thương mại cổ phần (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân TMCP Á Châu).
Theo Bộ Công an, với cơ chế “Giấy phép con” và cấp quota hạn ngạch trên dễ dẫn đến việc tiêu cực cấp phép phát sinh, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép, khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép, hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ.
Ban soạn thảo giải trình gì?
Giải trình trước những ý kiến trên, đại diện ban soạn thảo - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ xây dựng, điều chỉnh tổng hạn mức hàng năm đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước; tình hình thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Trên cơ sở tổng hạn mức hàng năm, NHNN thực hiện cấp hạn mức hàng năm cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.
Dự thảo Nghị định cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cách thức phân bổ hạn mức hàng năm cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng lần, theo hướng dẫn của NHNN để đảm bảo công khai, minh bạch.
Qua báo cáo định kỳ, báo cáo của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và kiểm tra chéo trên hệ thống hải quan, đối với trường hợp các đơn vị không nhập khẩu hết hạn mức đã được cấp, NHNN có thể điều chỉnh, thu hồi để phân bổ hạn mức còn lại cho các đơn vị khác có nhu cầu.
Theo NHNN, đây cũng là căn cứ để tính toán phân bổ, phân bổ lại, điều chỉnh hạn mức cho các năm/kỳ tiếp theo.
NHNN khẳng định, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng lần theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp tổ chức, cá nhân cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, không làm tăng áp lực về thủ tục hành chính, không tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Quản lý sê-ri vàng miếng trên từng chứng từ giao dịch
Ngoài ra, Bộ Công an cũng góp ý, dự thảo Nghị định chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (số sê-ri sản xuất mới, số sê-ri vàng miếng móp méo được gia công lại, sô sê-ri trong các giao dịch mua/bán, số sê-ri vàng miếng chuyển thành nguyên liệu...).
Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về sô sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch trên có thể giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, có thể giúp xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng trong giao dịch vàng miếng.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch trên nhằm hạn chế được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng...
Phản hồi ý kiến này, NHNN cho hay sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.
-
Kiểm soát rủi ro thị trường tài chính, vàng và bất động sản bằng cách nào?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thị trường vàng, bất động sản được ví như mạch máu lưu thông và phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, các thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
-
Thị trường vàng ra sao khi xoá bỏ độc quyền vàng miếng?
Ngoài thương hiệu SJC độc quyền bấy lâu nay sẽ có thêm các thương hiệu vàng của các doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép sản xuất, và chỉ những doanh nghiệp có đủ điều kiện mới được cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu.
-
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Bắt đúng bệnh” để có giải pháp quản lý thị trường vàng kịp thời
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu thị trường vàng, làm rõ nguyên nhân, "bắt đúng bệnh" để có giải pháp kịp thời.







