Bình Thuận được xem là địa phương có nhiều dự án golf nhất, nhưng đến nay, hầu hết các dự án chưa triển khai.
Dày đặc các dự án golf

Dải bờ biển từ xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân) đến xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) dài 120 km, có 12 dự án xây dựng sân golf được cấp phép, trong đó riêng khu vực nội thành Thành phố Phan Thiết đã có 5 sân golf. Đặc biệt, có mật độ cao nhất phải kể đến khu vực giáp ranh giữa thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Tại đây, chỉ 15 km đường bờ biển mà có đến 3 dự án sân golf, gồm Golf Sun Resort Vina (diện tích 328 ha), Sân golf Sơn Mỹ (177 ha) và Sân golf 18 lỗ Casalle Hills (200 ha).

Số dự án nhiều như vậy, nhưng kể từ khi sân golf đầu tiên (Ocean Dunes Phan Thiết) đi vào hoạt động (năm 1997) đến nay, chỉ có thêm sân golf Sea Links hoàn thành xây dựng (năm 2008). Hầu hết các dự án còn lại hiện vẫn nằm... trên giấy.

Trong số hơn 7.000 ha đất cấp cho 15 dự án golf, chỉ có 1.800 ha dành cho sân golf, còn lại là xây biệt thự. Chỉ riêng 3 dự án golf lớn ở khu vực Hàm Tân, dù chưa xây sân golf, nhưng đang chào bán 1.150 biệt thự! Hay Dự án golf Sea Links cũng đã bán được 247 biệt thự. Tính toán của các nhà đầu tư bất động sản địa phương, nếu tất cả dự án golf tại Bình Thuận đi vào hoạt động, sẽ có hơn 2.000 ngôi biệt thự kề sân golf được rao bán. Đây chính là miếng bánh mà các nhà đầu tư nhắm tới, khi đầu tư vào sân golf.

Khi sân golf đến

Dự án golf luôn chiếm diện tích đất lớn, nên mỗi dự án được thực hiện, thì sẽ có hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất, kéo theo nhiều khó khăn trong bố trí tái định cư và tạo việc làm.

Đơn cử, xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân) thu hồi 328 ha đất nông nghiệp để giao cho Dự án Sun Resort Vina do Hàn Quốc đầu tư. Vốn là xã nghèo, đất nông nghiệp ít, nên việc thực hiện dự án đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của trên 270 hộ có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, việc xây dựng và duy trì các sân golf ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Để chăm sóc cỏ sân golf quanh năm xanh mướt, cần một lượng lớn nước, phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật đặc biệt. Càng nhiều sân golf hoạt động, nhất là các sân golf có vị trí gần nhau, thì càng gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nước.

Bức tranh buồn

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, ngoài 2 sân golf đã hoạt động, các dự án sân golf còn lại đều chưa thể triển khai, vì nhiều lý do. Các dự án sân golf South Fork (182,5 ha, cấp phép năm 2004), Hòn Rơm (197 ha, cấp phép năm 2007), Sơn Mỹ (cấp phép năm 2006) chậm triển khai do bị ảnh hưởng của cát đen; Dự án sân golf và biệt thự Hàm Thuận Nam (136 ha, cấp phép năm 2007) đang trong giai đoạn đền bù; Dự án tổ hợp du lịch và sân golf Thung Lũng Đại Dương (206 ha, cấp phép năm 2008) đang thiết kế; Dự án khu du lịch quốc tế cao cấp (có sân golf) Tân Thắng (242 ha, cấp phép năm 2007) đang chuẩn bị động thổ; Dự án sân golf Casalle Hills (cấp phép năm 2003) vẫn đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng...

Đặc biệt, Dự án golf 18 lỗ của Công ty Shasi Development (diện tích hơn 600 ha, cấp phép năm 2004) vẫn chưa được giao đất, vì toàn bộ dự án nằm dưới mỏ cát đen. Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận đã cấp phép cho nhà đầu tư khác khai thác khoáng sản trước khi giao lại để xây dựng sân golf. Theo chủ đầu tư dự án golf này, do trữ lượng cát đen quá lớn, nên không biết bao giờ mới được giao đất sạch để triển khai.

Trước thực tế triển khai các dự án sân golf tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, không chỉ sân golf, mà du lịch Bình Thuận cũng đang cần đất cho các dự án xây dựng trung tâm dịch vụ, văn hóa, thể dục - thể thao, các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân và khách du lịch, nên những dự án đầu tư sân golf mới sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và hiệu quả kinh doanh mới được xem xét.

Theo ông Lương Văn Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, trong khi chờ chủ trương của Chính phủ, thời điểm này, tỉnh sẽ không cấp thêm dự án sân golf nào.
Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland