Theo phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.470 ha. Đây là cơ hội mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Định, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân.

Ảnh minh họa

Đến năm 2030, Bình Định có 68 cụm công nghiệp

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa chủ trì họp nghe báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với các cụm công nghiệp (CCN) do doanh nghiệp làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng cho biết, theo phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470 ha.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 46/68 CCN với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; có 45/68 CCN với tổng diện tích 1.551,7 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 1.087,6 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; có 37/68 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 904,2ha.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40/46 CCN đã và đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong đó, có 15/46 CCN đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng; có 15/46 CCN đã hoàn thành từ 50% diện tích trở lên; 10/46 CCN hoàn thành dưới 50% diện tích; có 06/46 CCN chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Để tăng cường công quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngày 09/01 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với 46 CCN trên địa bàn tỉnh. Trong số các CCN nói trên, có 19 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong quý 1/2024, chỉ có 02/19 CCN hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao trong quý 1/2024, còn lại 17/19 CCN chưa hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024

Để đảm bảo triển khai hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024, ông Hoàng đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai hàng loạt nội dung có liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi cho từng chủ đầu tư cụm công nghiệp đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế của các nhà đầu tư.

Đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện nghiêm các chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh giao. Trong văn bản tích hợp nội dung khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của nhà đầu tư để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư.

Sở Công thương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư các cụm công nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

Sở Công thương rà soát xem xét, đánh giá lại các chủ đầu tư không đảm bảo về năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

Sở Công thương cũng được giao nhiệm vụ tham mưu văn bản cho UBND tỉnh để trình Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định; Xây dựng quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo đúng quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 các địa phương để tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu đất lúa đảm bảo theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các hồ sơ, thủ tục lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa đảm bảo theo quy định.

Sở Xây dựng hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thẩm định thiết kế cơ sở, điều chỉnh quy hoạch chi tiết (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan và chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp thực hiện việc xúc tiến, mời gọi, thu hút đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư để nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương xem xét việc niêm yết giá, công khai thông tin về giá cho thuê đất gắn hạ tầng kỹ thuật và giá các dịch vụ công cộng, tiện ích khác của các cụm công nghiệp đảm bảo theo quy định, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm làm việc, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu đầu tư, phát triển cụm công nghiệp được UBND tỉnh giao. Đồng thời, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ cho nhà đầu tư.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.