Biệt thự 17 Hùng Vương hiện có 10 hộ đang ở - Ảnh: G.B
Trần bếp biệt thự 72 Hoàng Diệu đã hư hỏng nghiêm trọng
Trở thành chung cư là tình trạng chung của 83 biệt thự rải khắp TP.Đà Lạt, do Trung tâm quản lý nhà (TTQLN) Đà Lạt quản lý cho thuê. Trong số biệt thự này có 561 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu chen chúc sinh sống, trong đó có nhiều ngôi biệt thự có hàng chục hộ dân chen chúc ở.
Trong khi đó, 64 biệt thự công được sử dụng làm công sở, nhà làm việc... cũng bị cơi nới, biến dạng. Dễ dàng nhìn thấy phần lớn ở các biệt thự này đều bị xây dựng thêm hội trường hoặc phòng làm việc. Khuôn viên thì được tráng xi măng phẳng lì, cây xanh và thảm cỏ biến mất. Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, Giám đốc TTQLN Đà Lạt nhìn nhận, do sử dụng làm công sở, các biệt thự nhỏ hẹp không đủ diện tích để làm việc nên hầu hết các đơn vị đều xây dựng thêm. Lãnh đạo một sở đang sử dụng biệt thự cổ làm trụ sở cũng nói nếu không xây dựng thêm thì “không thể đủ chỗ để làm việc, họp hành”.
Suốt thời gian dài không quản lý
Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt Trần Văn Việt cũng nói: do lịch sử để lại, được cơ quan bố trí, rồi dân lấn chiếm, sang nhượng. Hiện nay các hộ dân đang sống trong những ngôi biệt thự này thuộc nhiều thành phần, từ cán bộ công nhân viên, công nhân, lao động phổ thông, bán buôn cũng có. Họ sống chen chúc như “tổ ong” và đã cơi nới thêm, xây dựng nhà vệ sinh, bếp núc, nhà tắm, nhà để xe... để phục vụ nhu cầu cuộc sống. “Chỉ tiếc là trong một thời gian dài trước đây chúng ta không quản lý, bảo vệ tốt nên để cho những biệt thự này rơi vào cảnh bị lấn chiếm hoặc cơi nới, xuống cấp như hôm nay”, ông Việt nói.
Ngoài số biệt thự đã giao cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp khi cổ phần hóa, trên địa bàn Đà Lạt hiện có 212 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với tổng diện tích sử dụng 63.364 m2, tổng diện tích đất khuôn viên 562.663 m2.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, nói rằng những biệt thự này “sẽ được bảo tồn kiến trúc theo nguyên tắc bảo tồn phải gắn với sự phát triển tiếp nối, bảo tồn không cản trở sự phát triển và dựa trên mức độ giá trị kiến trúc, khả năng sinh lợi”. Theo đó chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 gồm 5 dinh thự sẽ phục chế lại trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng. Nhóm 2 gồm 77 biệt thự sẽ cải tạo, nâng cấp không gian bên trong đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng mới, bên ngoài thì phục chế lại như trước đây. Nhóm 3 gồm 96 biệt thự cho phép cải tạo toàn bộ hoặc tháo dỡ để xây dựng công trình mới. Còn lại 34 biệt thự sẽ bán cho người đang thuê, bán đấu giá hoặc cải tạo, tháo dỡ xây dựng lại, đưa ra khỏi danh mục sở hữu nhà nước. “Nếu không bán hoặc cho thuê được thì phải tính toán lại, đồng thời phải bỏ tiền duy tu, bảo dưỡng và tốn người trông coi. Sở Xây dựng sẽ đề xuất trụ sở của đơn vị nào mà chưa bán hoặc cho thuê được thì đơn vị đó phải có trách nhiệm quản lý, giữ gìn”, ông Tâm nói.
Ông Lê Phỉ, người có nhiều năm nghiên cứu về quỹ biệt thự cổ ở Đà Lạt, ưu tư: “Đà Lạt hiện nay đã mất quá nhiều biệt thự cổ rồi, nên bây giờ giữ được cái nào thì nên giữ chứ không nên bỏ đi. Mỗi ngôi biệt thự ở đây đều có một giá trị nhất định về kiến trúc và giá trị lịch sử của nó”. Trong khi đó, TS-KTS Lê Quang Ninh (TP.HCM) đề xuất: “Cần bảo tồn, giữ gìn quỹ biệt thự này và phát huy công năng của nó, chứ bán hay để mất đi sẽ rất tiếc. Việc đưa biệt thự vào khai thác du lịch, nếu làm đúng, làm tốt thì sẽ giữ được nó, nhưng thực tế rất khó. Bởi vì biệt thự ngày xưa người ta làm để nghỉ dưỡng khác với việc ngày nay đưa vào làm du lịch nghỉ dưỡng chung chung”.
10 năm loay hoay 1 đề án Thực hiện đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Lạt, từ cuối năm 2003, TTQLN Đà Lạt đã tiến hành lập hồ sơ thu hồi 83 biệt thự bị biến thành “chung cư” nói trên. Tuy nhiên, sau 10 năm, đến nay UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ mới có chủ trương cho thuê 56 ngôi biệt thự thu hồi được, trong đó chỉ mới bàn giao cho nhà đầu tư 12 biệt thự. |