12/08/2011 10:29 AM
Sự tăng lên như vũ bão của giá vàng trong hai tuần qua đã tạo ra những ý kiến bất định trong tâm lý người dân là nên đầu tư vàng hay bất động sản ngay lúc này?

Sau hơn hai tuần nhảy múa “điên loạn” giá vàng trong nước bắt đầu giảm nhiệt “gọt” đúng 1 triệu đồng khi chịu áp lực giảm mạnh từ giá vàng quốc tế.

Theo giới chuyên gia phân tích, sở dĩ có cơn sốt giá vàng thời gian vừa qua là do yếu tố đầu cơ đã tác động làm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới từ 1 triệu, thậm chí đến 2 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này là nguồn cơn của nhập vàng lậu.

Thêm vào đó là tâm lý thiếu ổn định, thích lướt sóng của đại đa số người dân. Sự nhạy cảm quá mức của nhiều người đối với giá vàng thế giới đã khiến niềm tin vào vàng trở thành thái quá, không kiểm soát được. Nhiều người còn mang tâm lý mua vàng với hy vọng giá sẽ còn lên cao.

Giới chuyên gia khác lý giải rằng, hiện nay, người dân phân vân khi dòng tiền đầu tư trong nước không biết đổ vào đâu. Nếu đổ vào bất động sản thì đòi hỏi vốn lớn, trong khi thanh khoản lại kém. Nếu đổ vào chứng khoán cũng không thuận lợi, vì thị trường này đang “tịt ngòi” không biết đến bao giờ mới khởi sắc. Còn đem tiền gửi ngân hàng lại lo biến động tỷ giá và lạm phát khiến tiền đồng thêm mất giá. Vì vậy, ôm tiền mua vàng sẽ là “thượng sách”.

Mặc dù, lý lẽ đưa ra khá thuyết phục, những giới chuyên gia khuyến cáo rằng, đầu tư vàng hiện nay khá nguy hiểm, tuy kênh đầu tư này mang lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn, giá vàng có thể biến động rất mạnh và khó lường. Trong khi đó, bất động sản ít biến động và tương đối an toàn.


Biến động thị trường: Đầu tư vàng hay bất động sản?

So với vàng và chứng khoán, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn hơn cả. Ảnh: Nguồn internet


Trao đổi với bạn đọc trong buổi giao lưu trực tuyến vào ngày 6/8 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, thị trường bất động sản hiện nay đang rất khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư bất động sản nhưng lợi thế thị trường đang thuộc về người mua. Bởi hiện nay, nguồn cung trên thị trường khá dồi dào, người mua sẽ có nhiều quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Thứ hai là giá cả và phương thức thanh toán chưa bao giờ hợp lý và thuận lợi như hiện nay. Thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận bán hòa vốn hoặc bán lỗ, có các doanh nghiệp bán căn hộ cao cấp cho thanh toán đến 44 đợt. Ngoài ra, ông Châu còn nhận định rằng, lựa chọn đầu tư bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2011 là đúng đắn, trong trung hạn trở đi sẽ rất hiệu quả và an toàn.

Còn tại buổi hội thảo "Những giải pháp khơi thông thị trường bất động sản hướng tới an sinh xã hội" được tổ chức tại Tp.HCM vừa qua, các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng thị trường bất động sản vẫn còn khả năng xoay chuyển tình thế. Bởi nguồn vốn cho thị trường bất động sản có tiềm lực rất lớn và đa dạng, chiếm 60% và nằm ngoài hệ thống Ngân hàng.

Thêm vào đó là những vướng mắc trong thủ tục hành chính, trong giao dịch, chuyển nhượng được giải tỏa sẽ là tiền đề cho tính thanh khoản của thị trường bất động sản được cải thiện.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lo ngại khi thông tin Fitch Ratings có thể xem xét hạ xếp hạng tín dụng của Việt Nam nếu lạm phát và những bất ổn trong hệ thống Ngân hàng vượt tầm kiểm soát. Điều đó cho thấy rằng, lạm phát cao và những vấn đề mang tính “kinh niên” của hệ thống Ngân hàng đã gây sức ép lớn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng vay nợ của Việt Nam, làm lung lay lòng tin vào tiền đồng cũng như làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, khả năng trong thời gian tới, chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất sẽ gây áp lực lớn đến các ngành kinh tế, trong đó có bất động sản.

Theo CafeLand, còn quá sớm kể tin rằng chính sách nới lỏng tín dụng, “mở đường” cho bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất để thị trường có cơ hội phục hồi khi vấn đề lạm phát chưa được kiểm soát. Tuy nhiên, trước cơn nóng sốt thất thường của thị trường vàng, chứng khoán gặp cảnh đìu hiu, thì bất động sản vẫn là kênh “chọn mặt” để đầu tư an toàn hơn cả.

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.