Một trong những chiến lược quan trọng được giới siêu giàu sử dụng để giữ cho hóa đơn thuế của họ ở mức thấp: vay tiền.
Nhiều người Mỹ chỉ vay tiền khi họ phải chi trả những khoản lớn như học phí đại học hoặc mua nhà, vì lãi suất có thể nhanh chóng tăng lên, đặc biệt sẽ khó khăn nếu họ không thể trả khoản vay ngay lập tức.
Nhưng theo ProPublica và các chuyên gia độc lập, các tỷ phú Mỹ thường tài trợ cho lối sống xa hoa của mình bằng cách sử dụng khối tài sản khổng lồ của họ để thế chấp cho các khoản vay, có thể đi kèm với lãi suất một con số.
Việc đi vay tiền cho phép những người siêu giàu kiếm được mức lương thấp, tránh được mức thuế liên bang 37% đối với thu nhập cao nhất, cũng như tránh bán cổ phiếu để giải phóng tiền mặt, bỏ qua mức thuế thu nhập từ vốn cao nhất 20%. Vì các khoản vay không được coi là thu nhập chịu thuế, những người giàu có chỉ cần trả lại gốc và lãi, thay vì các khoản thuế cao hơn đi kèm với các khoản thu nhập và đầu tư hàng triệu đô la.
25 cá nhân giàu nhất nước Mỹ đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của họ tăng thêm 401 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2018, theo Forbes. Nhưng họ chỉ phải trả tổng cộng 13,6 tỷ đô la tiền thuế thu nhập liên bang trong cùng thời kỳ đó, tương đương với 3,4% của tài sản mới có được, ProPublica cho biết.
Ngược lại, một người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu ở độ tuổi 40 đã tích lũy được "lượng tài sản điển hình cho những người ở độ tuổi của họ", đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của họ tăng thêm 65.000 USD từ năm 2014 đến 2018, nhưng phải trả 62.000 USD tiền thuế thu nhập, tương đương 95% thu nhập, theo ProPublica.
Mỹ không đánh thuế trực tiếp vào tổng tài sản của các cá nhân, không giống như một số nước châu Âu. Mỹ cũng không đánh thuế cổ phiếu nắm giữ cho đến khi chúng được bán. Và các tỷ phú có xu hướng có nhiều tài sản ròng được gói gọn trong cổ phiếu.
Tuy nhiên, phân tích của ProPublica đã tiết lộ chi tiết mới về cách mã số thuế của Mỹ cho phép giới siêu giàu tận dụng nhiều lỗ hổng về thuế và các chiến lược quản lý tài sản để tăng tài sản của họ mà không làm tăng đáng kể hóa đơn thuế.
Để minh họa khoảng cách giữa sự giàu có và thuế do những người siêu giàu trả, ProPublica đã tạo ra cái mà nó gọi là "thuế suất thực". ProPublica đã định nghĩa đây là tổng số thuế thu nhập liên bang mà một người phải trả, trong trường hợp này là từ năm 2014 đến năm 2018, so với số tài sản mới mà họ có được trong cùng khoảng thời gian đó.
Theo ProPublica, 25 người Mỹ giàu nhất hàng đầu đã trả "thuế suất thực" là 3,4% - kết quả của các chiến lược tránh thuế nằm ngoài khả năng thực hiện của hầu hết người Mỹ.
Đi vay, hóa ra, là một trong những chiến lược đó.
Ví dụ, vào năm 2014, người đồng sáng lập Oracle, Larry Ellison, tiết lộ rằng ông đã sử dụng 250 triệu cổ phiếu Oracle của mình làm tài sản thế chấp để đảm bảo hạn mức tín dụng cá nhân trị giá 9,7 tỷ USD.
Tương tự, Elon Musk cũng đã sử dụng một lượng lớn vốn cổ phần của mình tại Tesla và SpaceX để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, thay vì bán những cổ phiếu đó và trả 20% thuế lợi tức vốn để giải phóng tiền. Từ năm 2014 đến 2018, Musk đã trả 455 triệu đô la tiền thuế cho khoản thu nhập được báo cáo là 1,52 tỷ đô la, dẫn đến mức thuế thực tế là 29,9%. Nhưng tài sản của ông đã tăng thêm 13,9 tỷ đô la trong thời gian đó, có nghĩa là "thuế suất thực sự" của ông, theo phương pháp luận của ProPublica, chỉ là 3,27%.
-
Giới tỷ phú né thuế: Nới rộng khoảng cách giàu nghèo
Có thể thấy, dù các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, nhưng không ít người giàu vẫn có cách để giảm nghĩa vụ nộp thuế, khiến các chính sách xã hội vẫn thiếu công bằng và ngày càng nới rộng khoảng cách giàu nghèo tại các nền kinh tế phát triển.