Nhiều người ta thán là trong hàng ngàn dự án chậm tiến độ các loại hiện nay, có những dự án rùa xem ra không ai chịu trách nhiệm. Vì quy trách nhiệm không rõ ràng, dự án loại này cứ "điểm mặt”, lập "danh sách đen” xong đâu lại vào đó. Mà sự chậm tiến độ gây lãng phí khủng ra sao không thể nào tính đếm hết.
Nó vô hình và hữu hình. Chỉ tính các dự án xây dựng, Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ vốn đầu tư vào (chiếm 40% GDP), chậm hoàn thành dẫn đến đình trệ sản xuất, bị "chôn” vốn, thiếu công trình cho xã hội, cho người dân... Đặc biệt, lãng phí về đất đai không thể đo đếm hết.
Thậm chí chậm tiến độ dự án có thể gián tiếp gây chết người, nếu dự án đó liên quan tới sức khỏe, y tế. Nếu trạm y tế hoàn thành đúng tiến độ, có thầy có thuốc, có trang thiết bị đủ, người bệnh sẽ tránh được bi kịch tắt thở giữa đường nếu phải vượt tuyến quá xa xôi. Nói vậy để thấy đừng coi thường những dự án nhỏ như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế, hay như xây dựng mới và nâng cấp nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn ở các địa phương.
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các trạm rất chậm so với kế hoạch đã đề ra không phải chuyện riêng ở một địa phương nào, cũng không phải chuyện mới, dù nó ít được báo động so với hàng loạt dự án bị "điểm mặt” chậm tiến độ, thiếu hạ tầng gần đây.
Ở Hà Nội, Sở Xây dựng mới đây có văn bản báo cáo kết quả đợt 1 kiểm tra tại hàng loạt khu độ thị mới cho thấy tại Khu đô thị mới Nam An Khánh quy mô 234,4ha, chưa có công trình công cộng, trường học nào được đầu tư xây dựng. Với Dự án Hanoi Garden City tại quận Long Biên quy mô 31ha, tiến độ cho phép dự án hoàn thành vào năm 2012, nhưng trường mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm y tế chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng.
Và câu chuyện chậm xây trạm y tế khu đô thị hóa ra lại chưa thật lớn nếu so với thực trạng chậm tiến độ các dự án lớn về y tế ở Nghệ An. Dự án Bệnh viện đa khoa 700 giường được xác định là bệnh viện tuyến tỉnh hiện đại tương đương kỹ thuật hạng I, tổng diện tích sàn gần 60 ngàn mét vuông, tổng đầu tư giai đoạn một là 550 tỷ đồng, theo kế hoạch đến năm 2012 hoàn thành nhưng đến nay mới thực hiện xong cơ bản phần xây lắp kiến trúc khối nhà chính và các khoa, nhiều hạng mục khác chưa thể hoàn thành. Lý do muôn thuở là nguồn vốn ngân sách phân bổ không đáp ứng được tiến độ đề ra. Tỉnh này đã đề nghị Chính phủ tăng đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm, như Bệnh viện đa khoa 700 giường để đưa vào sử dụng vào cuối năm 2013 và một số BV khác. Nhưng nếu địa phương nào cũng cần vốn tương tự, sẽ ưu tiên ai?
Dự án xây dựng tái chậm tiến độ có thể bị thu trắng, đó là thay đổi lớn của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2013. Với quy định mới này, Nhà nước có thể "thu trắng” với những dự án đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng mà không có bất cứ sự bồi thường nào. Thế nhưng đó vẫn là dự thảo, nằm trong mơ ước và dự tính. Còn thực tế bi kịch chậm tiến độ vẫn như "trêu ngươi” các nhà làm chính sách, kể cả người dân, với cái gọi là kế hoạch, lộ trình, hoạch định.
Điểm lại trong 10 năm gần đây, từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, quá nhiều chủ đầu tư kém năng lực "cố tình” chiếm đất thông qua việc lập và xin cấp phép dự án đầu tư. Tổng diện tích thu hồi lên đến 728.000 ha trong đó, các dự án đầu tư chậm triển khai phải thu hồi lên đến gần 100.000 ha tại 3.673 tổ chức kinh tế. Vậy mà cơ quan chức năng mới chỉ xử lý thu hồi lại cho Nhà nước được 24.606 ha của 456 tổ chức, với số tiền xử lý hành chính vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng.
Vậy thì với chủ dự án "cố tình” chậm xây hạ tầng phúc lợi xã hội như trạm y tế, trường học, xử lại càng không dễ. Những lý do gì mà bệnh kinh niên này khó chữa đến thế?
Mỗi dự án, cần có người chịu trách nhiệm cá nhân rõ ràng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Trần Ngọc Hùng thẳng thắn đề nghị. Cần làm rõ cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm với từng dự án, từ phân bổ vốn kiểu rải mành mành đến vì sao chọn nhà đầu tư thiếu năng lực, chính quyền địa phương quan liêu... , từ đó có chế tài xử lý. Ông Hùng nhấn mạnh, "chúng ta đã có đủ quy định pháp lý để xử lý trách nhiệm dẫn đến tình trạng dự án "treo” nhưng chính chúng ta đang mắc bệnh cái gì cũng tập thể nên rất khó xử lý”.
Vâng, đúng là có căn bệnh mới - "cái gì cũng tập thể”. Đó mới chính là căn nguyên của bi kịch tiến độ chậm và chậm không hồi kết. Vì vậy, "tập thể” cần thật, nhưng một khi thứ gốc bệnh đã được chỉ ra, cá nhân níu vào tập thể để "tránh tội”, cầu cho sớm có thuốc đặc hiệu trị dứt nọc bệnh này.
Thanh Như (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.