Hiện nay, nhiều NĐT nước ngoài đang rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại Việt Nam do triển vọng kinh tế còn bất ổn cũng như tình hình lạm phát và lãi suất tăng cao, trong khi thanh khoản bị giới hạn bởi chính sách thắt chặt tín dụng của Nhà nước. Tuy nhiên, không ít NĐT ngoại vẫn tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào tương lai của thị trường BĐS Việt Nam.

Vốn ngoại giảm mạnh


Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, so với 4 - 5 năm trước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS hiện đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2008, vốn FDI cam kết vào lĩnh vực này đạt mức cao nhất với trên 23 tỷ USD.

Năm 2009, lĩnh vực kinh doanh BĐS đã có sự suy giảm rõ rệt nhưng vẫn thu hút được 7,4 tỷ USD vốn đăng ký mới. Ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm ngoái, BĐS đạt tổng cộng khoảng 6,84 tỷ USD vốn FDI và trở thành lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2010. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 11 tháng qua, cả nước có 919 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 324 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư. Trong đó, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào lĩnh vực BĐS chỉ đạt 464,13 triệu USD, xếp thứ tư về lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, rất thấp so với ba lĩnh vực khác có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện và xây dựng.

Còn theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 73 thương vụ sáp nhập và mua lại được tuyên bố công khai, trong đó có đến 22 giao dịch thuộc lĩnh vực BĐS, chủ yếu là đối tác trong nước chuyển nhượng dự án cho các NĐT nước ngoài với tổng giá trị khoảng 250 triệu USD.

Tuy nhiên, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lại cho rằng, không vì thế mà chúng ta có cái nhìn thiếu lạc quan về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2011.

“Một tín hiệu tích cực đối với dòng vốn FDI là các dự án trong lĩnh vực BĐS, dịch vụ đã giảm đi đáng kể, thay vào đó là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo luôn đứng ở mức cao, chứng tỏ sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án FDI liên quan đến lĩnh vực BĐS. Qua đó, nếu dự án nào không đủ khả năng, hoặc không hiệu quả sẽ bị rút giấy phép đầu tư hoặc đề xuất các cơ quan liên quan can thiệp. Một số dự án chưa được triển khai do NĐT có những lý do chính đáng sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và tìm cách tháo gỡ.


BĐS Việt Nam vẫn “sáng” trong mắt NĐT ngoại


Các dự án BĐS ở khu vực Q.2, TP. HCM đang được nhiều NĐT nước ngoài quan tâm - Ảnh: Lê Toàn

Hồi phục trong tương lai gần

Mới đây, Hiệp hội Các NĐT nước ngoài vào lĩnh vực BĐS (AFIRE) vừa xếp Việt Nam đứng thứ 4 trong số những thị trường mới nổi tại khu vực về mức độ hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam cũng được bình chọn là điểm đến đầu tư hàng đầu đối với các NĐT Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Với các điểm sáng trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam kỳ vọng, trong tương lai gần, BĐS sẽ tiếp tục là thị trường có sức phát triển tốt. Lý do, theo ông Nam, là bởi việc tăng trưởng dân số đô thị là yếu tố quan trọng khẳng định nhu cầu phát triển BĐS tại Việt Nam. Năm 2009, có khoảng 25,4 triệu dân sống tại đô thị (29,6%), dự báo năm 2020 sẽ là 43,2 triệu dân (45%). Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, dự báo năm 2015, cần 905 triệu m2 và năm 2020 cần 1.026 triệu m2 nhà ở.

Bình luận về xu hướng mua bán và sáp nhập các dự án BĐS, các chuyên gia cho rằng, chính áp lực tài chính đối với các nhà phát triển dự án trong nước dẫn đến sự xuất hiện của nhiều khoản "nợ xấu" ở Việt Nam, nhưng mặt khác, lại tạo ra một giai đoạn với nhiều cơ hội chưa từng có cho các NĐT nước ngoài.

Ông Khaw Aik Heng, Giám đốc dự án của Apave tại Việt Nam và Đông Nam Á cho rằng, các NĐT nước ngoài không nên quá quan ngại về sự an toàn đối với khoản đầu tư của họ khi đổ vốn vào thị trường BĐS tại Việt Nam. Ông Khaw tin rằng, sự tăng trưởng trong phân khúc tòa nhà cao tầng ở Việt Nam sẽ rất mạnh trong thời gian tới.

Tổng giám đốc điều hành Indochina Capital, ông Peter Ryder cũng cho rằng: “Nhiều NĐT đã ra đi, nhưng đó cũng là cơ hội cho những người cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, Indochina Land sẽ tiếp tục phát triển với sự thận trọng hơn trong từng dự án.

“Chúng tôi sẽ tiến từng bước một, bằng cách, trong cùng một thời điểm, chúng tôi chỉ cho ra mắt 2 - 3 dự án và mỗi dự án có những đặc điểm khác nhau để phân biệt với các dự án khác nhằm tạo ra sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh”, ông Peter Ryder chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Châu Anh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.